Bộ GD&ĐT không tổ chức viết 1 bộ SGK nữa, điều này nên hiểu ra sao?Giải pháp viết SGK của Bộ GD&ĐT trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Cùng với việc cho phép thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học, Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông nêu rõ: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK”. Như vậy, Nghị quyết 88 giao trách nhiệm “tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” cho Bộ GD&ĐT là để đảm bảo không thiếu SGK của môn học hay lớp học nào khi thực hiện chương trình SGK mới theo đúng tiến độ đã được quy định.
Việc Bộ không trực tiếp mời tác giả biên soạn SGK như phương án ban đầu không ảnh hưởng đến việc đảm bảo đủ một bộ SGK cho tất cả các môn học, lớp học. Bộ GD&ĐT thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK giáo dục phổ thông không sử dụng ngân sách nhà nước; bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học.
Để chủ động triển khai, Bộ GD&ĐT giao kế hoạch biên soạn, xuất bản một bộ SGK cho Nhà xuất bản Giáo dục VN - đơn vị trực thuộc của Bộ GD&ĐT. Việc giao kế hoạch biên soạn và xuất bản một bộ SGK này được thực hiện theo quy định tại Nghị định Chính phủ về phân cấp, phân quyền quản lý. Sau đó, bộ SGK này vẫn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK để thẩm định công bằng với SGK của các nhà xuất bản khác.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nói: Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GD&ĐT chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK. Điều này cụ thể ra sao, thưa ông?
Trách nhiệm quan trọng nhất của Bộ khi có nhiều SGK là thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định đảm bảo SGK nào được thẩm định, phê duyệt và cho phép sử dụng đều đạt chất lượng. Bộ chịu trách nhiệm về chất lượng của tất cả SGK đã được thẩm định, phê duyệt ấy.
Sau khi được hội đồng thẩm định phê duyệt thông qua thì mọi SGK đều có giá trị sử dụng công bằng, không có sự phân biệt. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ GD&ĐT chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK; Bộ sẽ đồng hành cùng các nhà xuất bản các bộ/ cuốn SGK để đảm bảo chất lượng của từng SGK, hỗ trợ, tạo điều kiện trong các khâu như thử nghiệm, phát hành, tập huấn…. để giảm chi phí cho tất cả các bộ SGK, giảm giá thành cho người sử dụng.
Dư luận lo ngại rằng, khi Bộ GD&ĐT không viết 1 bộ SGK có thể dẫn tới tình trạng thừa thiếu cục bộ SGK ở một số môn học nào đấy. Bộ có lường trước vấn đề này và phương án cụ thể ra sao?
Một trong các nhiệm vụ quan trọng khi có nhiều SGK là Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn phù hợp điều kiện thực tế, bảo đảm công khai, minh bạch, không độc quyền. Bộ GD&ĐT cũng sẽ hỗ trợ thông tin để các NXB có kế hoạch in ấn, tránh việc in thừa gây lãng phí.
Xin cảm ơn ông!
Ngoài NXB Giáo dục VN, hiện có 6 NXB khác được phép xuất bản SGK, gồm: NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, NXB ĐH Quốc gia TP.HCM, NXB ĐH Sư phạm Hà Nội, NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, NXB ĐH Huế và NXB ĐH Vinh.