Bạo lực học đường: Kỷ luật không giải quyết được

Một HS lớp 3 tại trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bị cô giáo phạt bằng cách bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng.
Một HS lớp 3 tại trường tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) bị cô giáo phạt bằng cách bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng.
TP - Tiến sĩ Trần Thị Hồng Liên, giảng viên môn Quản trị nguồn nhân lực, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG TPHCM đã đưa ra nhiều phân tích về hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh, từ góc độ quản trị nguồn nhân lực. 

Bà Liên nói: Điều chúng ta đang làm mạnh và dường như là giải pháp duy nhất sau những hiện tượng này là kỷ luật, trong khi kỷ luật không làm mất đi gốc rễ vấn đề. Kỷ luật chỉ là việc làm chống chế, hành động tự vệ trước bức xúc, áp lực dư luận của cấp quản lý, chứ không hề mang mục đích giáo dục.

Điều này sẽ không làm giảm đi những hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh nữa.

Chuyện về việc một giáo viên cấp 3 tại Nhà Bè, thầy giáo cấp 3 tại Phú Nhuận (TPHCM), cô giáo cấp 1 tại An Dương (Hải Phòng) và nhiều giáo viên, bảo mẫu tại các trường mầm non bạo hành học sinh về thể chất và tinh thần được báo chí nêu nhiều. Dư luận luôn mổ xẻ, đi tìm nguyên nhân và lên án từ góc độc đạo đức nghề nghiệp, chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, thậm chí tuyển dụng theo kiểu “gửi gắm”. Chưa có nhiều người dám đối mặt với nguyên nhân sâu xa hơn, đó là có những người tính cách không bình thường vẫn đi dạy học.

Định hướng nghề nghiệp dựa trên tính cách

Ý bà là, những giáo viên hành hạ học sinh nói trên đáng lẽ ra không nên theo nghề sư phạm?

Đúng thế. Thầy giáo ở Phú Nhuận đã bị học sinh nhiều năm phản ánh về tình trạng vào lớp không giảng bài, mà chỉ nói chuyện bên lề và đặc biệt là hay nói tục với học sinh. Đây không phải là hành động bộc phát, mà chắc chắn là tính cách, một tính cách không phù hợp với môi trường giáo dục.

Bạo lực học đường: Kỷ luật không giải quyết được ảnh 1 Em Phạm Song Toàn dũng cảm nói lên sự thật về cô giáo im lặng suốt 3 tháng trên bục giảng.

Cô giáo ở Nhà Bè dạy các lớp khác bình thường, chỉ riêng một lớp cô không nói mà chỉ chép bài lên bảng, vì theo cô cho biết, cô sợ lời mình nói sẽ bị học sinh ghi lại để hành động gây bất lợi. Hành động này phản ánh một tính cách không ổn định, mà là tính cách thất thường tuỳ thuộc hoàn cảnh và đối tượng. Tính cách không ổn định dẫn tới hành động của cô gây ra tác động tâm lý tiêu cực cho học sinh.

Trường hợp của cô giáo cấp tiểu học ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng là một hành động phi nhân tính mà không phải nhiều người có thể nghĩ ra được.

Hành động được mang ra để xử phạt học sinh nói chuyện - một hành động phổ biến của học sinh, không đe dọa trực tiếp tới sự an toàn hay nhân phẩm của giáo viên. Điều này có thể phản ánh tính cách lệch lạc hay vấn đề tâm lý nghiêm trọng của giáo viên.

Trong cả ba trường hợp bạo hành gần đây nhất, hai yếu tố nguyên nhân tiềm tàng nổi lên đó là sự bất ổn tâm lý cá nhân nghiêm trọng. Sự bất ổn đó không phù hợp với môi trường giáo dục.

Vậy theo bà cần giải quyết tính cách bất ổn, không bình thường nói trên như thế nào, ngoài việc kỷ luật?

Tôi đọc báo thấy báo này đăng hôm nay kỷ luật, chấm dứt hợp đồng cô này, ngày mai lại luân chuyển công tác, kiểm điểm cô kia. Đây là giải pháp trước mắt, còn lâu dài, ai dám chắc bị kỷ luật rồi sẽ không tái diễn? Trường hợp cô giáo im lặng nhiều tháng trong giờ lên lớp cũng đã từng bị kỷ luật ở trường khác đấy thôi.

Rõ ràng, kỷ luật sẽ không làm mất đi cái gốc của vấn đề là những bất ổn tâm lý nghiêm trọng không được giải tỏa dẫn tới hành động không phù hợp của người giáo viên. Vì thế, muốn không xảy ra, thì phải ngăn chặn ngay từ đầu những tính cách không phù hợp gia nhập ngành giáo dục.

Những người có tính cách không phù hợp có thể được ngăn chặn gia nhập ngành giáo dục nếu công tác tuyển dụng giáo sinh sư phạm, và cả tuyển dụng giáo viên vào các trường. Có thể sử dụng các công cụ như bài kiểm tra về xu hướng tính cách (Aptitude Test) để đánh giá.

Ở nhiều nước như Malaysia, Phần Lan, Anh, Mỹ, Úc, trong tuyển dụng vẫn dùng bài kiểm tra này. Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông cũng nên mở rộng cơ hội cho những người đã tốt nghiệp đại học những ngành khoa học tự nhiên, xã hội nhưng có mong muốn được làm giáo viên, thay vì chỉ tập trung vào người tốt nghiệp các trường sư phạm như hiện nay.

Càng có nhiều lựa chọn, thì ngành càng nhiều cơ hội để tránh tuyển dụng những người có tính cách không phù hợp, dù đã trải qua mấy năm học sư phạm.

Trách nhiệm của người quản lý, sử dụng lao động

Bà không ủng hộ quan điểm kỷ luật để giải quyết sự việc, thế nhưng thực tế xã hội hiện nay, nếu không sử dụng biện pháp đó thì dư luận vẫn còn chưa hết bức xúc trước những hành vi hành hạ học sinh?

-Tôi không nói không nên kỷ luật, mà tôi chỉ nói đó chưa phải là giải pháp triệt để. Nếu nói đến kỷ luật, tôi đề nghị kỷ luật cả những người quản lý, sử dụng lao động, ở đây là nhà trường, ban giám hiệu và cao hơn nữa.

Bởi thực tế, những bất ổn tâm lý nghiêm trọng của giáo viên ảnh hưởng tới việc làm không bình thường trong những trường hợp trên, có thể được giải quyết nếu nhà sử dụng lao động nhìn thấy được, thừa nhận hiện tượng này, thấy trách nhiệm của mình trong việc giúp giáo viên ổn định tâm lý tốt hơn.

Ví dụ trường hợp cô giáo cứ đến lớp là im lặng kia, bản thân cô cũng đã và đang phải trải qua trạng thái tâm lý tiêu cực mà không tự tìm được hướng giải quyết; không được trợ giúp từ phía người sử dụng lao động là nhà trường.

Sự im lặng của cô kéo dài gần bốn tháng, giáo viên chủ nhiệm đã biết, tức là người này đã có nhiều cơ hội để chấm dứt việc này sớm hơn (như trao đổi với cô giáo này, hoặc trao đổi với nhà trường tìm cách giải quyết). Tuy nhiên, những người liên quan hoặc đã không nhận thức được, hoặc đã bỏ qua.

Vậy theo bà giải quyết vấn đề này ra sao?

Tôi cho rằng, đã đến lúc việc tư vấn tâm lý học đường, cho cả giáo viên và học sinh, cần được nhìn nhận nghiêm túc trong các trường học.

Hiện tại một số trường phổ thông ở Việt Nam có chương trình tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, nhưng chưa có trường nào, cơ quan nào quan tâm tới yếu tố tâm lý của người lao động.

Nguyên nhân là các nhà sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về tác động của bất ổn tâm lý cá nhân tới việc làm, hành động không đúng và sự cần thiết phải giúp người lao động cân bằng tâm lý để làm việc tốt.

Cảm ơn bà.

Những bất ổn tâm lý nghiêm trọng của giáo viên ảnh hưởng tới việc làm không bình thường trong những trường hợp trên, có thể được giải quyết nếu nhà sử dụng lao động nhìn thấy được, thừa nhận hiện tượng này, thấy trách nhiệm của mình trong việc giúp giáo viên ổn định tâm lý tốt hơn.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.