Kết quả điều tra cho thấy trên một nửa số hộ gia đình được hỏi cho biết họ phải cho con đi làm thêm do học phí cao. Hiện nay có khoảng 51% sinh viên đang phải đi làm thêm chỉ vì học phí cao (không tính các lý do như muốn có thêm kinh nghiệm...). Trong khi đó, nhóm nghèo nhất phải đi làm thêm nhiều nhất (79%). Điều tra thực tế sinh viên đang học thì kết quả khá tương đồng với dự kiến của các bậc phụ huynh sắp có con theo học ĐH. Việc phải đi làm thêm ảnh hưởng tới sinh viên ở cả bốn khía cạnh: lên lớp, tiếp thu bài giảng, kết quả học tập và khả năng hoàn thành khóa học.
Báo cáo của PGS Đặng Thị Lệ Xuân cho thấy có 33 - 41% sinh viên đang đi làm thêm nói việc này ảnh hưởng tới họ nhiều và rất nhiều ở cả bốn khía cạnh nêu trên. Chỉ 15% - 21% cho rằng không bị ảnh hưởng.
PGS Đặng Thị Lệ Xuân cho biết khi được hỏi về mức học phí mới (13-17 triệu đồng/năm/sinh viên), 85% sinh viên nhóm I (nhóm nghèo nhất) cho rằng đây là mức cao/rất cao. Với mức học phí này, gần 40% số phụ huynh nhóm I và trên một nửa số người nhóm II cho rằng không thể đảm bảo cho con theo học. Nếu tính tổng cho cả 5 nhóm thì có 37% số hộ gia đình không thể đảm bảo kinh phí cho con theo học đại học. Và giải pháp của họ là chọn trường có mức học phí thấp hơn hoặc đi vay tiền, hoặc cho con đi làm thêm khi đi học.
“Như vậy, theo như kết quả điều tra, học sinh của các gia đình ở tất cả các nhóm thu nhập đều có thể bị tước đoạt quyền được theo học trường mà mình mong muốn vì lý do học phí. Trong đó, vẫn theo xu hướng chung, 50% số lựa chọn của nhóm I là chọn trường khác có mức học phí thấp hơn và vẫn có đến 23% số câu trả lời của nhóm giàu nhất là phải chọn trường khác có mức học phí thấp hơn. Tính tổng các nhóm, có tới 32% số học sinh sẽ không được học trường mà mình mong muốn vì lý do học phí”- PGS Đặng Thị Lệ Xuân nói. Mức học phí mới khiến 100% hộ gia đình thuộc nhóm I, 77% hộ gia đình thuộc nhóm II có nguy cơ phải đi vay tiền cho con theo học đại học. Như vậy, nếu các hộ gia đình không thể vay tiền cho con theo học thì có tới 58% số học sinh không thể đi học đại học vì lý do tài chính.