Tất cả thí sinh có hành vi gian lận sẽ bị hủy kết quả
Trong danh sách 222 thí sinh có tên trong danh sách “gian lận” điểm thi ở kỳ thi THPT quốc gia 2018 thì nhiều trường đại học đã hủy kết quả và trả về địa phương nhiều thí sinh. Khối các trường công an, quân đội đã trả hết thí sinh có tên trong danh sách sửa, nâng điểm về địa phương kể cả các thí sinh có điểm thực vẫn đủ điều kiện đỗ vào trường.
Lí do là 12 thí sinh còn lại có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt trong quá trình điều tra các trường vẫn cho tiếp tục theo học.
Nói về xử lý thí sinh có tên trong danh sách “gian lận” điểm thi nhưng vẫn được nhiều trường đại học cho theo học vì đủ điểm trúng tuyển vào trường. Có ý kiến cho rằng tất cả thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 đều phải bị huỷ kết quả thi, buộc thôi học tại các trường đại học.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng vừa khẳng định, tất cả các hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và bất cứ kỳ thi nào khác đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, hiện nay, các trường đại học thuộc khối Công an đã huỷ kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các thí sinh được nâng điểm. Các trường khối dân sự cũng huỷ kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
“Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học. Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật”- Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
TS Hoàng Ngọc Vinh
Thí sinh vô tình hay cố ý tiêu thụ "của gian" thì có bị xử liên đới?
Về vấn đề này, Tiến sĩ (TS) Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nên đuổi học tất cả các thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La đã dính vào gian lận thi cho dù đủ điểm vì hành vi gian lận đã thực hiện.
Cũng theo TS Vinh, luật pháp và quy chế khó bịt kín mọi kẽ hở nhưng xét thấy hành vi 'gian lận' đã được thực hiện thì nên bổ sung quy chế xử lý luôn.
“Phụ huynh chạy điểm, thí sinh vô tình hay cố ý tiêu thụ "của gian" thì có bị xử liên đới không? Nói thí sinh không biết chỉ có thể là nguỵ biện thôi”- TS Vinh nhấn mạnh.
TS Vinh cũng nhấn mạnh, tội này là tội phạm hình sự gây ảnh hưởng lớn đến xã hội nên rất cần đưa tên kẻ mua điểm và bán điểm công khai. Cứ theo luật phòng chống tham nhũng mà xử
“Dù qui chế chưa đề cập nhưng vi phạm do gian lận dù là phụ huynh gây ra. Nếu phụ huynh không cho họ và tên con thì làm sao cán bộ biết ai mà sửa. Quy chế chỉ cần bổ sung mọi hành vi gian lận trong thi cử đều bị xử lý loại bỏ kết quả là đủ”- TS Vinh nêu quan điểm
Vậy việc vẫn đang cho các thí sinh học ở các trường đại có phải là hình thức “dung túng” cho gian lận không, vì nếu không đuổi học thì thí sinh sang năm vẫn có thể sẽ gian lận vì cơ hội vào đại học cao hơn?. TS Vinh cho rằng, kiểu xử lý này cũng là hình thức cải lương...Cần làm dứt điểm ngay, có đau cũng làm thì giáo dụcmới sạch được. Thuốc đắng dã tật.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thực ra nói là những thí sinh bị hạ điểm vừa qua là gian lận thì hơi sớm vì phải tiếp tục khẳng định chứng cứ về gian lận.
Cũng theo TS Khuyến, vừa rồi, Bộ GD&ĐT mới chỉ làm ở khâu chấm phúc tra mà nếu chấm phúc tra chỉ xác định được sai lầm, lỗi của người chấm bài và lỗi của ban giám khảo chứ chưa khẳng định được chênh lệch điểm giữa hai lần chấm là lỗi của người thi. Để xác định được lỗi của thí sinh phải có chứng cứ. Chứng cứ lấy ở đâu? Điều đó, xuất phát từ điều tra những người đã bị bắt, liên quan đến vụ gian lận thi này.
"Những người đó họ nhận đã tiền mấy trăm triệu để sửa điểm cho thí sinh, tức là họ nhận nhận tội hối lộ, từ đó bắt họ khai ra là ai liên quan đến tội đưa hối lộ"- TS Khuyến nói.
Cũng theo TS Khuyến, khi nào mà xác định được lỗi của thí sinh cũng như của phụ huynh thì lúc đó không cần phải xử lý theo quy chế thi nữa mà xử lý theo luật hình sự. Ở đây, chúng ta không sợ không công bằng mà cần đợi kết luận của cơ quan điều tra từ phía công an.
TS Khuyến cho rằng, việc quy chế tuyển sinh năm nay chưa có quy định về thí sinh gian lận điểm thi thì việc bổ sung vào ngay trong kỳ thi tuyển sinh 2019 luôn cũng được mà không cũng không sao. Vì theo ông Khuyến, gian lận trong thi cử là tội rất lớn, nó phạm vào luật hình sự.
“Họ cũng sẽ học, nhưng khi tìm ra chứng cứ nếu thí sinh nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì thì sẽ phải xử lý thôi”- TS Khuyến khẳng định.