Giáo dục, truyền thông thua trên sân nhà

Để giới trẻ khóc, ngất vì sao ngoại là truyền thông, giáo dục đã thua trên sân nhà
Để giới trẻ khóc, ngất vì sao ngoại là truyền thông, giáo dục đã thua trên sân nhà
TP - Để một bộ phận giới trẻ “phát điên” vì sao ngoại là do công tác truyền thông và giáo dục của chúng ta thua ngay trên sân nhà. Đó là chia sẻ của Tiến sĩ (TS) tâm lý Nguyễn Kim Quý Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTB&XH trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong khi giải mã hiện tượng cuồng thần tượng.

> Cuộc cạnh tranh khẳng định cái tôi quá lố
> Tâm sự của một fan nữ từng đánh nhau vì thần tượng Big Bang

Truyền thông và giáo dục không đủ sức tạo thần tượng

Thưa TS, tại sao có hiện tượng fan cuồng trong một bộ phận giới trẻ hiện nay?

Thứ nhất, giới trẻ chủ yếu tuổi mới lớn muốn có một thần tượng thực sự cuốn hút cả hình thức lẫn nhân cách, nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam dù có nhân tố để tạo thần tượng nhưng truyền thông, giáo dục không đủ sức để tạo thần tượng.

Trong cuộc sống, có những tấm gương vượt khó, thành đạt rất đáng để giới trẻ học tập, noi theo nhưng lại thiếu sự phù hợp với tâm sinh lý, độ tuổi của giới trẻ; biện pháp truyền thông nhiều lúc nặng tính giáo điều, dạy bảo nên khó thuyết phục giới trẻ.

Thứ hai, thực tế qua những vụ việc tiêu cực ở nhiều lĩnh vực của xã hội khiến không ít bạn trẻ thất vọng, thiếu niềm tin vào cuộc sống.

Trong gia đình nhiều bạn trẻ, bố mẹ không có sự chia sẻ, thấu hiểu là nguyên nhân chính khiến các bạn trẻ đó nảy sinh tâm lý, chán nản. Những yếu tố đó càng thôi thúc bạn trẻ muốn có một thần tượng để bù đắp sự thiếu hụt về tình cảm.

Thứ ba, trong độ tuổi vị thành niên, những người trẻ luôn muốn thể hiện mình. Ở tuổi mới lớn, các bạn phải học để thể hiện mình nhưng kết quả không phải lúc nào cũng như mong muốn; bên cạnh đó, các em chưa phải lao động chính tự nuôi bản thân, luôn phụ thuộc gia đình nên muốn thể hiện, thu hút sự chú ý của người khác bằng cách riêng.

Hâm mộ người khác phát cuồng được một số bạn chọn để thể hiện sự khác người, gây chú ý. Điều này không riêng ở Việt Nam mà tại Mỹ, hay nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á cũng có.

Những đối tượng bạn trẻ nào thường dễ trở thành fan cuồng, thưa TS?

Đối tượng dễ trở thành fan cuồng thường ở tuổi trên 12 đến dưới 25. Về mặt nhân cách, họ có tính hướng ngoại, thích giao tiếp, thích mở rộng mối quan hệ ngoài gia đình, lớp học.

Dù thế, những bạn trẻ này không tìm được chỗ đứng, khó khẳng định vị trí, vai trò của mình trong quan hệ gia đình, bạn bè, hay trong công việc. Vì thế, họ quay ra tìm kiếm sự ngưỡng mộ, chú ý từ đám đông, giữa những người xa lạ bằng vẻ cuồng nhiệt, khác người.

Một yếu tố khác khiến một số bạn trẻ thành fan cuồng là do tâm lý đám đông, bầy đàn, a dua. Trong quá trình phát triển nhân cách vị thành niên, bạn bè có vai trò quan trọng số một, vì vậy các em thường dễ lan truyền, học hỏi và học đòi lẫn nhau.

Choáng ngợp bởi công nghệ đánh bóng, lăng xê

Để giới trẻ khóc, ngất vì sao ngoại là truyền thông, giáo dục đã thua trên sân nhà
Để giới trẻ khóc, ngất vì sao ngoại là truyền thông, giáo dục đã thua trên sân nhà.

Thưa TS, vì sao những ngôi sao, đặc biệt các ca sĩ Hàn Quốc lại dễ được một bộ phận giới trẻ Việt tôn sùng, thần tượng?

Hiện nay với sự bùng nổ của thông tin, giới trẻ thoải mái tiếp cận, ngoài cái tốt cũng không ít mảng tối. Đặc biệt đối với phần đông bạn trẻ thành phố chủ yếu tiếp nhận thông tin trên mạng, lượng thông tin tiêu cực xuất hiện nhiều lấn át tin tích cực.

Tiếp cận với thông tin xấu khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chơi vơi, mất niềm tin và muốn có hình tượng mới để chạy và làm theo. Đúng lúc này, làn sóng văn hóa giải trí Hàn ập tới nên giới trẻ nhanh chóng bắt nhịp.

Đề tài, hình tượng sao Hàn này phù hợp với tâm lý lứa tuổi đang phát triển tâm lý của giới trẻ nên được đón nhận, trở nên thân thuộc, gắn bó.

Thứ hai, trong những bộ phim Hàn, các nhân vật thường lịch lãm, thành đạt với trang phục, xe cộ, cuộc sống sang trọng…khiến giới trẻ choáng ngợp.

Nói chung, mọi thứ của “làn sóng Hàn” đều tuyệt vời đánh trúng tâm lý ở tuổi “khẳng định cái tôi” của thanh thiếu niên Việt, họ cũng muốn làm giàu và mong muốn trở nên đáng ngưỡng mộ như những sao Hàn mà thiếu đi thông tin thực tế, đời sống nhiều chiều của xã hội Hàn Quốc.

Không riêng bạn trẻ, ngay cả một số sao của Việt Nam cũng bắt chước sao Hàn từ ăn mặc, đầu tóc cho đến phong cách biểu diễn, thị hiếu âm nhạc… Do đó, càng thúc đẩy giới trẻ cuồng nhiệt hơn với các sao Hàn.

TS đã đề cập trong hiện tượng “cuồng sao” này chủ yếu do sự thiếu quan tâm, định hướng giới trẻ?

Gia đình, nhà trường, xã hội cần phải quan tâm vấn đề này. Để xảy ra các vụ việc như một số bạn trẻ chửi mắng, thậm chí dọa giết cha mẹ nếu “cản đường” họ đến với thần tượng là do giáo dục truyền thống trong gia đình bị xem nhẹ. Thậm chí khá nhiều bố mẹ cũng bắt chước theo sao Hàn, cũng mê muội, đắm chìm trong phim dài tập Hàn Quốc.

Mặt khác, cách giáo dục trong nhiều gia đình thiếu sự chia sẻ, nặng tính áp đặt, mệnh lệnh, không tạo được chỗ dựa tinh thần để bạn trẻ có thể tin tưởng nên họ tìm đến thần tượng ở nơi xa xôi qua những tấm hình, clip, đặt niềm tin nơi những người… chỉ lắng nghe và không bao giờ trách mắng họ! Vì thế, vai trò của bố mẹ đặc biệt quan trọng, cần phải là người bạn lớn của con để chia sẻ kinh nghiệm sống, tâm tư tình cảm…

Thực tế, những fan cuồng chủ yếu thuộc những gia đình giàu có vì những show diễn có giá vé khá cao, hoặc để chạy theo sao Hàn, các bạn trẻ cũng chi tốn khá nhiều tiền cho những sản phẩm văn hóa, băng đĩa... Nhiều bố mẹ cho con tiền, nhưng lại không biết con sử dụng như thế nào.

Phải thay đổi cách giáo dục, đừng hô hào, áp đặt nữa

Thưa TS, hiện tượng “cuồng thần tượng” có thực sự đáng lo ngại hay không và nếu kéo dài, sẽ gây tác hại gì cho xã hội?

Thời kỳ trước đây, các thế hệ trước bó hẹp trong một phạm vi hẹp, còn giờ có sự mở rộng thông qua internet là vô cùng vô tận. Những cái cũ, cổ hủ, áp đặt không được giới trẻ chấp nhận là điều dễ hiểu và tất yếu. Luôn tiếp nhận và làm chủ cái mới là điểm tiến bộ của giới trẻ nhưng cũng tiềm ẩn những mối lo.

F.Engels đã nói, chống lại mốt thật là điên rồ! Nên một bộ phận giới trẻ Việt hâm mộ sao Hàn là điều không phải khó hiểu, vì đó là xu hướng, là mốt. Vấn đề đáng bàn là giới trẻ học mốt đến đâu? Làm thế nào để theo mốt nhưng vẫn giữ được bản sắc?

Mọi sự học đòi cần phải có điểm dừng. Mối nguy mà tôi muốn đề cập trong công tác giáo dục nước ta hiện nay là khá “hồn nhiên”, bỏ mặc làn sóng văn hóa các nước ập đến mà không có bộ lọc, không can thiệp một cách khôn khéo.

Vì thế, mọi thông tin có ẩn ý của văn hóa nước ngoài rất dễ dàng tràn vào và đối tượng tiếp nhận đầu tiên là giới trẻ. Thực ra, để xảy ra những hình ảnh không hay về fan cuồng, lỗi phần lớn thuộc về những người làm công tác giáo dục, vai trò của gia đình, nhà trường…

Những người làm công tác giáo dục cần phải nhạy cảm, phải đi trước, đón đầu để định hướng, thanh niên theo hướng tích cực. Đến giờ giật mình nhìn lại thì khá muộn, fan cuồng là mức “ngấm” cuối cùng của văn hóa ngoại, ở mức trăm hoa đua nở thì khó thu lại.

Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém trong giáo dục, trong định hướng giới trẻ. Trong giáo dục, tuyên truyền cần tránh hô hào, áp đặt để gương sáng người Việt thực sự đi vào giới trẻ.

Nếu chúng ta tiếp tục buông lỏng vấn đề này chúng ta sẽ để một bộ phận giới trẻ dần đánh mất bản sắc người Việt Nam.

Cám ơn TS.

Phương Hiếu - Xuân Tùng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.