Bao nhiêu quốc gia thì bấy nhiêu hình thức giáo dục. Bóc vỏ bề ngoài, có thể thấy chúng đều chung mẫu số thiên về học thuật và kỷ luật. Định hướng ấy hầu như bất biến ba trăm năm qua và đem lại những thành tựu to lớn. Tiến bộ vũ bão của khoa học sản sinh các thế hệ người có kiến thức cao, lắm bằng cấp.
Song ít ai để ý mặt trái của thời đại coi trí tuệ là vàng. Từ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, các nhà triết học từng cảnh báo nguy cơ suy tôn lý tính như chúa tể nhận thức có thể gây diệt vong nhân loại. Quá chú trọng học thuật, xem nhẹ “tiên học lễ”, dần làm trầm kha các hành vi như cứng nhắc, dữ dằn, thiếu mềm dẻo, ít cảm xúc, ít thoả hiệp, thiếu trung thực ở cá nhân và cả cấp nhà nước.
Đi đôi với đồn đoán khôn nguôi về ngày tận thế, hiển lộ một trào lưu mới dù không dễ được thừa nhận. Mấy nước đang tìm cách tiếp cận khác, săn tư duy sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố nhân bản, ưu tiên kỹ năng cá nhân, thay vì chuộng tri thức thuần, hám học hàm học vị và luyện gà chọi. Điều tra năm 2017 tại 19 quốc gia của Pew Research Center, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới, chỉ ra xu thế ấy kèm vài thành quả.
Tây Ban Nha từng yếu về kinh tế nay là một trong những trung tâm công nghiệp không khói cuốn hút nhất lục địa già. Thụy Điển và Hà Lan sắp tăng trợ cấp toàn dân. Đức trở thành tay chèo sống còn cho Liên minh châu Âu đang chao đảo. Còn Canada được vinh danh thiên đường sáng tạo và có thể là nôi văn minh mới. Tại Mỹ, lần đầu tiên, quá bán đảng viên cộng hoà, 58%, cho rằng “các trường cao đẳng và đại học hiện hành có tác động tiêu cực đến đất nước”.
Tư duy sáng tạo giúp người ta biết “đàn hồi”. Chính biến đổi khí hậu dạy nhân loại nhớ đến tư tưởng này thay vì “chống trả” hay “cải tạo” thâm căn cố đế. Hoạt động của một quốc gia suy cho cùng được thực hiện bởi các cá nhân cụ thể. Đàn hồi, linh ứng, biết nhượng bộ có thể dần tiêu biến các tư tưởng cực đoan đang thịnh hành trong đó có thùng thuốc súng Triều Tiên.