Giáo dục đại học: Đầu tư ít, đầu vào thấp, đầu ra yếu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhóm nghiên cứu của Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chỉ ra rằng tỉ lệ lao động qua đào tạo ĐH của Việt Nam thấp đã ảnh hưởng việc tham gia vào những khâu quan trọng có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nghiên cứu với chủ đề “Một số chính sách đầu tư phát triển giáo dục đại học Việt Nam”, được thực hiện bởi nhóm nhà khoa học gồm GS.TS Vũ Văn Yêm, ThS Nguyễn Yến Chi và PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội, đưa ra nhiều thông tin liên quan nguồn nhân lực hiện nay.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ông Yêm cho biết, theo số liệu báo cáo điều tra lao động sơ bộ năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo là khoảng 24%, tỉ lệ lao động có trình độ ĐH trở lên là 11,1%, tập trung tại các thành phố lớn của Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ như Hà Nội và TPHCM. Chỉ có 5,7% lao động tại khu vực nông thôn có trình độ ĐH trở lên.

Giáo dục đại học: Đầu tư ít, đầu vào thấp, đầu ra yếu ảnh 1

Phụ huynh đến chúc mừng sinh viên tốt nghiệp 2023. Ảnh: Duy Phạm

“Tỉ lệ này là đáng báo động bởi chỉ khi lao động có trình độ cao, Việt Nam mới có thể tham gia vào những khâu phát minh, sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; từ đó, có cơ hội học hỏi tri thức và kinh nghiệm quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa, sản xuất và phân phối”, ông Yêm nói.

Trong khi đó, kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp ở mức từ trung bình tới tương đối cao (80-93%) tùy thuộc lĩnh vực; tỉ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo chỉ chiếm khoảng 76%, có việc làm liên quan ngành đào tạo khoảng 5% và không liên quan ngành đào tạo từ 19-25%.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, một số nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên chưa tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo là chương trình học và phương pháp giảng dạy chưa được cải tiến; hệ thống quản lý nhân lực và dự đoán nhu cầu lao động chưa đủ thông tin, có những trường chỉ hỗ trợ kiếm việc làm cho khoảng 6 - 7% trong số sinh viên tốt nghiệp, số còn lại có được việc làm chủ yếu là nhờ tự lo.

Dè dặt chi cho giáo dục ĐH

Một trong những bất cập ảnh hưởng chất lượng đào tạo ĐH là đầu tư ngân sách. Theo nhóm nghiên cứu, năm 2020, Việt Nam mới chỉ dành 0,18% GDP cho giáo dục ĐH. Kinh phí này là hạn hẹp, đặc biệt đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ. Nguồn thu chủ yếu của những trường này đến từ ngân sách nhà nước (60%); 40% nguồn thu từ học phí và kinh phí chuyển giao tri thức - công nghệ.

Ngân hàng Thế giới năm 2020 tổng kết chi cho giáo dục ĐH tại các nước chiếm ít nhất 1% GDP, trong khi tại Việt Nam tỷ lệ này là 0,18 %. Chi cho giáo dục ĐH trên tổng chi cho giáo dục tại các nước trong khu vực chiếm từ 15%-22%.

Nhóm nghiên cứu nhận định, chi phí trên một sinh viên ĐH năm 2017 tại Việt Nam, bao gồm chi từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác là 19 triệu đồng/năm học. Chi ngân sách/sinh viên/năm học tại Việt Nam cho tới năm 2020 chỉ là 6,8 triệu đồng. Đây là một con số rất ít ỏi so với các nước trong khu vực; với mức chi này thì khó có thể thu hút và phát triển nhân tài cũng như đầu tư trang thiết bị hiện đại. Theo nhóm nghiên cứu, năm 2015, Singapore chi tương đương hơn 274 triệu đồng ngân sách nhà nước/sinh viên/năm học.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022, có 4 nhóm ngành tuyển sinh kém nhất gồm: Nông Lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội. Nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước thì các trường sẽ rất khó xoay chuyển tình thế. Tình trạng “khát” thí sinh ở một số ngành nông, lâm nghiệp, các ngành liên quan môi trường, khoa học cơ bản vẫn tiếp tục diễn ra.

Đìu hiu tuyển sinh

Sắp hết năm 2023 nhưng một số trường ĐH vẫn đang cố tuyển sinh để đảm bảo chỉ tiêu đào tạo. Trường ĐH Tây Nguyên thông báo tiếp tục tuyển sinh ĐH đợt 3 năm 2023 với 18 ngành. Đối chiếu giữa thông báo tuyển sinh đợt 3 với đề án tuyển sinh của Trường Đại học Tây Nguyên cho thấy, nhiều ngành có kết quả thí sinh xác nhận nhập học thấp, như ngành Lâm sinh, Công nghệ sinh học, Kinh tế nông nghiệp, Công nghệ thực phẩm...

Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) cho biết, kết thúc tuyển sinh đợt 1, trường tuyển sinh được gần 30% trên tổng số hơn 1.500 chỉ tiêu được giao, trong đó có những ngành mới tuyển được 3 - 4 sinh viên.

Dự kiến, những ngành này khi xét tuyển bổ sung cũng sẽ không nhận được nhiều hồ sơ. Tuy nhiên, nhà trường vẫn sẽ đào tạo vì đó là nhiệm vụ. Về phương án đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm dự kiến sẽ đào tạo theo hình thức liên thông ngang, dọc. Khi đến các môn chuyên ngành, đòi hỏi kiến thức và nghiên cứu sâu sẽ tách lớp. Với ngành có 2 - 3 sinh viên, nhà trường ghép môn và bố trí cho các em học cùng anh/chị khóa trước. Một số môn sẽ gửi sinh viên sang trường khác học.

Ngoài vấn đề đầu tư, vấn đề chất lượng đầu vào cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng đầu ra, chất lượng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động. Tỉ lệ lao động có trình độ ĐH vốn đã thấp, cộng với chất lượng đào tạo không cao, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực khi ra trường.

MỚI - NÓNG