Giáo dục bao giờ là quốc sách hàng đầu?

Giáo dục bao giờ là quốc sách hàng đầu?
TP - Theo các chuyên gia, để nâng cao chất lượng giáo dục nhà nước nên xem xét đồng bộ các yếu tố thay vì chỉ kỳ vọng một chương trình - sách giáo khoa tốt hơn.

> Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Giáo dục vì lợi ích của ai?

Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mà đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tại hội nghị hôm qua, chương trình giáo dục hiện hành còn nhiều hạn chế.

Đánh giá nguyên nhân, nhiều chuyên gia bày tỏ sự chia sẻ với Bộ GD&ĐT khi Bộ này “có tiếng nhưng không có miếng”. Tiếng rằng GD&ĐT được đầu tư tới 20% tổng chi ngân sách nhưng phần lớn tiền chi cho GD&ĐT được đưa thẳng về cho các địa phương hoặc các bộ, ngành khác.

Các chuyên gia lưu ý quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu” chưa được thể hiện trên thực tế. GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét: “Tôi không hoàn toàn đồng tình với nhận định GD&ĐT luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và chăm lo”.

 Nếu sai thì phải sửa. Và chính việc phát hiện cái sai, cái không còn phù hợp của Nghị quyết 40 là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết mới thay thế.

GS Đào Trọng Thi

Theo GS Thuyết, nhận xét trên không chỉ là của cá nhân ông mà đã được chính thức thừa nhận trong các văn bản Nghị quyết T.Ư.

Gần đây nhất, ngày 11/7 vừa qua dự thảo Tờ trình Trung ương của Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ban Tuyên giáo T.Ư cũng nhận xét “BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhiều cấp ủy chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chưa nhận thức đúng đầy đủ quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, chưa chịu trách nhiệm về tình trạng yếu kém của giáo dục”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ GD&ĐT khi phân tích về các chính sách dành cho nhà giáo đã đặt câu hỏi: “Kể từ khi chúng ta nói giáo dục là quốc sách hàng đầu đến nay đã qua mấy đời bộ trưởng mà vẫn chưa thực hiện được. Quốc sách hàng đầu ấy hiện nay ở đâu và đời bộ trưởng nào sẽ được nhìn thấy nó?”.

Triệt tiêu phấn đấu của giáo viên

Phân tích về những yếu kém của giáo dục phổ thông hiện nay mà chương trình – SGK là một yếu tố, TS Vũ Văn Dụ cho rằng việc giáo viên mất hết động lực để trau dồi năng lực ngoài việc thiếu các chính sách ưu đãi còn do lỗi của chương trình giáo dục phổ thông. Còn PGS TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội nhận xét chương trình còn nặng, chưa tinh gọn.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội đề xuất nên tập trung đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho giáo viên thay vì chỉ nhăm nhăm tập trung đầu tư tìm kiếm một chương trình tốt nhất. “Muốn chất lượng giáo dục đảm bảo thì trước hết cần phải có một đội ngũ giáo viên tốt. Chương trình – SGK dù tốt đến mấy mà không có đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu thì không thực hiện được”, cô Hiền nói.

Theo GS Đào Trọng Thi, việc đưa ra các nhận định về thực trạng giáo dục không nhằm quy tội cho Bộ, ngành nào mà là để tìm kiếm giải pháp đổi mới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.