Giao dịch Bitcoin tại Việt Nam có trái luật?

Giao dịch Bitcoin tại Việt Nam có trái luật?
TPO - Sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc sử dụng đồng Bitcoin tại Việt Nam, một số sàn giao dịch Bitcoin khẳng định Bitcoin không bị cấm mua bán và sử dụng như một loại hàng hoá phi vật thể.

Cách đây ít ngày, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông báo: Không coi Bitcoin và các loại tiền điện tử là phương tiện thanh toán. Phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam thông tin, đến thời điểm này, Việt Nam chưa công nhận loại các loại tiền ảo này nên cũng chưa có hành lang pháp lý để quản lý tiền ảo.

Song luật sư Đức cũng nhận định: Không thể kiểm soát được bitcoin bởi bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau.

Giao dịch Bitcoin tại Việt Nam có trái luật? ảnh 1 Một máy giao dịch Bitcoin tại Việt Nam

Tuy nhiên, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước có thông báo trên, một số sàn giao dịch Bitcoin và các đồng tiền ảo khác đã phát đi thông báo trấn an khách hàng. Đại diện Cty TNHH Bitcoin Việt Nam đã có thông báo trên trang của đơn vị về nội dung của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, Cty khẳng định: Đơn vị không vi phạm pháp luật vì đã niêm yết giá Bitcoin bằng tiền đồng. Về việc Bitcoin không phải là một phương tiện thanh toán hợp pháp, Cty này cho rằng chưa có quy định rõ Bitcoin là tiền tệ hay là hàng hóa, cũng như chưa có quy định rõ Bitcoin là một phương tiện thanh toán, thì đối tượng áp dụng của Nghị định 101/2012/NĐ-CP không phải là các tổ chức như Bitcoin Việt Nam hay các khách hàng, vì dịch vụ giao dịch Bitcoin ở đây không phải là một dịch vụ thanh toán.

Tương tự, tuy Nghị định 80/2016/NĐ-CP đã hình sự hóa một số quan hệ kinh tế khi sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, nó cũng sẽ không được áp dụng trong trường hợp này.

Cần lưu ý rằng, một phương tiện thanh toán bị kết luận là bất hợp pháp phải thỏa mãn đủ 2 điều kiện: là một phương tiện thanh toán và không nằm trong danh sách phương tiện thanh toán được sử dụng của Ngân hàng Nhà Nước. Cty này nêu ví dụ trao đổi giữa ông A bán 10 kg gạo cho Bà B để đổi lấy 10 con gà. “Phương tiện thanh toán” ở đây hoàn toàn nằm ngoài thẩm quyền của Ngân hàng Nhà Nước vì gạo và gà không phải là một phương tiện thanh toán theo pháp luật Việt Nam.

Cuối cùng, đơn vị này khẳng định: Bitcoin không bị cấm mua bán và sử dụng như một loại hàng hoá phi vật thể.

Mới đây, Đại học FPT đề xuất cho phép sinh viên nước ngoài thanh toán học phí bằng đồng Bitcoin. Trước đó, một số Đại học  trên thế giới cũng đã cho phép sinh viên thanh toán bằng đồng Bitcoin. Gần đây nhất là, Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Lucerne ở Thụy Sĩ công bố chấp nhận Bitcoin trong thanh toán học phí. Sinh viên dùng Bitcoin để thanh toán cũng phải trả 1% giá trị hóa đơn. Ngoài ra còn có các trường Kinh doanh ESMT (Đức); Đại học Cumbria của Anh; Đại học King’s (Mỹ)…

Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Trong đó, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp. 

Ngoài ra, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư. Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi. 

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng bitcoin như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Nauy... đều không thừa nhận Bitcoin là một đồng tiền hợp pháp được lưu thông trên thị trường.

MỚI - NÓNG