Dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được trình xin ý kiến lần 2 tại Quốc hội, và dự kiến sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 15/6.
Quá trình thảo luận, một trong những quy định của dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến trái chiều là nội dung giao đất cho nhà đầu tư tới 99 năm (thay vì tối đa là 70 năm theo quy định hiện hành) trong trường hợp đặc biệt, do Thủ tướng quyết định.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng quy định trên chỉ có lợi cho các nhà đầu tư bất động sản, thậm chí là đầu cơ đất. "Chúng ta muốn kéo đến đặc khu những ai? Những nhà đầu tư thực sự, doanh nghiệp công nghệ cao hay chỉ đơn thuần là kêu gọi đầu tư bất động sản. Chúng tôi nghĩ rằng, các nhà đầu tư công nghệ cao không cần thuê đất đến 99 năm, cái họ cần là môi trường đầu tư sạch, hạ tầng tốt, giao dịch sòng phẳng, minh bạch", ông nói.
Ngoài ra, theo ông Dương Trung Quốc, 3 địa điểm được chọn thí điểm làm đặc khu kinh tế là 3 "mặt tiền" của đất nước với Biển Đông, do vậy ông rất muốn đại biểu các tỉnh có đặc khu như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang thông tin xem bao nhiêu nhà cửa, đất đai ở đây đã được người Trung Quốc mua.
"Những con số tính toán nhiều tỷ đô thu được từ 3 đặc khu này hiện mới chỉ trên giấy. Nếu ai nghĩ giao đất cho nhà đầu tư 99 năm sẽ thu hút được nhiều vốn, nguồn lực... thì là tư duy xưa cũ rồi", ông nói thêm.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân dẫn kinh nghiệm một số quốc gia như Philippines đã làm vừa qua, khi chỉ đặt ra thời hạn giao đất 50-70 năm, sau đó dựa trên hiệu quả, tính lan toả, cạnh tranh của dự án, nhà chức trách sẽ xem xét gia hạn một lần tối đa bằng 1/2 thời hạn cho thuê lần đầu.
"Giao đất cho nhà đầu tư tới 99 năm, giữa chừng doanh nghiệp phá sản, làm ăn không tốt nhưng phải chờ hết hạn giao đất mới được thu hồi thì đời con, đời cháu mới giải quyết xong hậu quả", ông Ngân lo ngại.
Theo ông, thời hạn cho thuê đất chỉ nên là 70 năm và cho phép gia hạn một lần không quá 30 năm nếu dự án đó có hiệu quả, lan toả và đảm bảo môi trường.
Ngược lại với các ý kiến trên, ông Hà Sỹ Đồng - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, nên mạnh dạn giao đất 99 năm cho nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, phải có quy định ràng buộc điều kiện ngành nghề, đối tượng nào nằm trong diện được thuê thời hạn dài tới vậy. Chẳng hạn, chỉ những doanh nghiệp cam kết đầu tư lâu dài trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất, công nghệ cao,... có tính bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Doanh nghiệp nào giữa chừng chuyển nhượng dự án, thay đổi mục đích dự án hoặc phá sản,... thì không được chấp nhận giao đất 99 năm và lập tức bị thu hồi dự án.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cho phép giữ nguyên quy định 99 năm nêu trên.
Ông nêu quan điểm đây là một chính sách vượt trội và đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt, đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt.
"Cho thuê đất đặc khu 99 năm hiện nay đã có nhiều nước làm việc này rồi, như đảo British Virgin Islands, UAE, Malaysia... Trong dự thảo Luật, chúng tôi quy định theo hướng để mở và ở điều kiện đặc biệt, phải được Thủ tướng phê duyệt", Bộ trưởng Kế hoạch nói.
Để dành đất đặc khu nhằm "thu hút đại bàng"
Theo tính toán cần hơn 1,5 triệu tỷ đồng để xây dựng 3 đặc khu kinh tế, song ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, việc Nhà nước bỏ lượng vốn nhất định để xây dựng cơ sở hạ tầng đặc khu là cần thiết. Đây sẽ được coi là vốn mồi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào đặc khu kinh tế.
Trước lo ngại đặc khu chưa hình thành nhưng đất tại các nơi này đã “sốt nóng”, phân lô bán nền, ông Thanh cho hay, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng đã cảnh báo hiện tượng đầu cơ đất tại các đặc khu và đề nghị Chính phủ có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Gần đây UBND các tỉnh này đã có chỉ đạo dừng cấp giấy quyền sử dụng đất cho tới khi Luật ra đời, song thực tế có thể những thương vụ chuyển nhượng ngầm vẫn diễn ra.
Ông Thanh cho hay, cũng có ý kiến dừng cấp quyền sử dụng đất tại đặc khu thì "thế này, thế kia", nhưng nếu không cho dừng lại, để đối tượng ngầm thôn tính hết đất thì tới khi đặc khu được lập sẽ không còn “đại bàng đến, mà chỉ còn chim sẻ, chim sâu”.