Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Thế nhưng nơi đây lại có hàng chục tòa nhà tái định cư không có phòng sinh hoạt cộng đồng. Ông Hòa (cư dân nhà 24T2) cho biết, cả cụm dân cư không có phòng họp, khiến công việc họp hành của cư dân rất khó khăn, bất tiện. Nhiều lần cư dân ở đây kiến nghị thành phố chỉ đạo xây dựng phòng sinh hoạt cộng đồng nhưng vẫn chưa có.
Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có 6 tòa chung cư gồm 984 căn hộ với hơn 4.000 người hiện chưa bố trí đủ phòng sinh hoạt cộng đồng. Lý do, thời điểm thực hiện dự án, các quy định pháp luật chưa quy định về nhà sinh hoạt cộng đồng.
Tương tự, tại chung cư tái định cư B10B Khu đô thị Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), một cư dân tòa B10B cho biết, cả hai tòa nhà B10B và B10C với 100 hộ dân nhưng không có phòng sinh hoạt chung, khiến mỗi lần có hội họp gì cư dân đều phải mượn phòng quản lý của đơn vị vận hành.
Bố trí đủ diện tích sinh hoạt chung
Thiếu phòng sinh hoạt cộng đồng đã khổ, nhưng dưới chân các tòa tái định cư tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nhiều quán ăn, cà phê, hàng bia kinh doanh để bàn ghế choán hết vỉa hè. Ô tô, xe máy có thời điểm đỗ kín 2 bên đường khiến bộ mặt đô thị ở đây càng thêm nhếch nhác.
Theo Luật Nhà ở (năm 2005), các chung cư bắt buộc phải có phòng sinh hoạt cộng đồng để phục vụ nhu cầu hội họp của người dân. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà chung cư được phê duyệt không bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng, chủ đầu tư phải dành diện tích thuộc sở hữu riêng để sử dụng làm phòng sinh hoạt cộng đồng. Diện tích này tối thiểu 36m2.
Quy định đã rõ ràng, nhưng nhiều tòa tái định cư đã bị chủ đầu tư cho thuê kinh doanh, chiếm dụng trái phép một thời gian dài. Một số đã được thu hồi, đấu giá theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng có những tòa tái định cư ra đời trước khi có Luật Nhà ở, ngay từ thiết kế không có phòng sinh hoạt cộng đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Hữu Tiến, phó trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản về quản lý tầng 1 các tòa nhà tái định cư. Tuy nhiên, nhiều người hiểu là không được dùng tầng 1 chung cư tái định cư vào mục đích kinh doanh, cho thuê là chưa chính xác.
Cụ thể, Hà Nội hiện nay có 174 chung cư tái định cư, trong đó có nhiều chung cư xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005 được ban hành. Vì vậy, ngay từ thiết kế ban đầu, các chung cư này không được bố trí diện tích làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho cư dân. Do đó, UBND thành phố cho phép chuyển đổi một phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa nhà này làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Đối với các chung cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi, UBND thành phố đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn xem xét bố trí địa điểm làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho cư dân.
Bên cạnh đó, UBND Hà Nội cũng cho phép sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư tái định cư, hỗ trợ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và một phần kinh phí quản lý, vận hành tòa nhà.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, trong số 136 chung cư do công ty quản lý, hiện có 40 tòa chưa bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng. Những chung cư tái định cư chưa có phòng sinh hoạt cộng đồng bởi nhiều nguyên nhân: Do chưa hết hợp đồng chờ thu hồi từ diện tích kinh doanh dịch vụ hoặc cư dân kiến nghị chuyển đổi diện tích khác... nên chưa bàn giao.
Nói về khu tái định cư, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho biết, trong số 22 tòa nhà tổng công ty được giao quản lý, chỉ còn 4 tòa không có phòng sinh hoạt cộng đồng theo thiết kế. Handico đề xuất chuyển đổi một phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại tòa B3A, B3D bố trí làm phòng sinh hoạt cộng đồng. Còn hai tòa nhà B10B và B10C, do không có diện tích kinh doanh dịch vụ, song qua rà soát có khoảng 33,4m2 tại sảnh hành lang tầng 1, công ty đã đề nghị thành phố cho phép bố trí làm nơi sinh hoạt cộng đồng.