Gián tiếp 'dằn mặt' Nga, quan chức EU đến khu vực giao tranh ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã đến thăm khu vực giao tranh ở miền Đông Ukraine để thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev trước sức ép từ Mátxcơva.
Gián tiếp 'dằn mặt' Nga, quan chức EU đến khu vực giao tranh ở Ukraine ảnh 1
Binh sĩ Ukraine canh gác ở Krymske (vùng Luhansk) ngày 3/1. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh hôm 5/1 đã di chuyển bằng trực thăng tới vùng Luhansk (khu vực giao tranh giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai) nhằm thể hiện sự ủng hộ của phương Tây đối với Kiev.

Đây là đại diện cấp cao EU đầu tiên đến thăm miền Đông Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát vào năm 2014. Ông Borrell nhấn mạnh: “Với việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới, tôi đến đây để thể hiện sự ủng hộ của EU đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Tại Luhansk, ông Borrell đã gặp gỡ các binh sĩ và dân thường trước khi trở lại Kiev để hội đàm với Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskiy vào ngày 6/1.

Gián tiếp 'dằn mặt' Nga, quan chức EU đến khu vực giao tranh ở Ukraine ảnh 2

Ông Borrell (áo xanh lá) lên trực thăng cùng Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba để đến Luhansk. Ảnh: Reuters

“Một chuyến thăm rất kịp thời trong bối cảnh Nga đang đe doạ và làm leo thang căng thẳng”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết khi đi cùng ông Borrell đến Luhansk. “Ukraine đang nhận được sự hỗ trợ của EU trong cuộc đối đầu với Nga. Trên thực tế, đây là sự ủng hộ mạnh mẽ nhất mà chúng tôi nhận được từ năm 2014".

Ukraine đang tranh thủ sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây trong bối cảnh Nga được cho là đã điều hàng chục nghìn binh sĩ đến biên giới để uy hiếp Kiev.

Về phần mình, Mátxcơva bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine. Ngược lại, Điện Kremlin cáo buộc Kiev làm gia tăng căng thẳng ở khu vực miền Đông nước này.

Washington hôm 4/1 cho biết Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thống nhất rằng Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu leo thang xung đột với Ukraine.

Mối quan hệ giữa Mátxcơva và Kiev sụp đổ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Cùng lúc đó, lực lượng ly khai ở các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine tuyên bố thành lập nước cộng hòa tự xưng.

Gián tiếp 'dằn mặt' Nga, quan chức EU đến khu vực giao tranh ở Ukraine ảnh 3

Khu vực Donetsk và Luhansk nằm trên biên giới giữa Nga và Ukraine. Ảnh: BBC

Trong thông báo mới nhất, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết ngoại trưởng các quốc gia thành viên sẽ họp trực tuyến vào ngày 7/1 để thảo luận về tình hình căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine.

Cuộc họp diễn ra 3 ngày trước khi các đại diện Nga và Mỹ nhóm họp ở Geneva (Thuỵ Sĩ) để thảo luận về các vấn đề an ninh (ngày 10/1).

Hai ngày sau đó (12/1) tại Brussels (Bỉ), Nga sẽ gặp các đại diện NATO trong cuộc họp đầu tiên kể từ năm 2019.

NATO chưa tiết lộ nội dung cuộc họp sắp tới với Mátxcơva. Nhưng phía Nga cho biết sẽ thảo luận với khối quân sự do Mỹ đứng đầu về các đề xuất đảm bảo an ninh, cụ thể là việc Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu, dừng triển khai các lực lượng NATO gần biên giới Nga cũng như từ bỏ chính sách lôi kéo Ukraine và Gruzia vào khối.

Ngày 13/1, Nga tiếp tục họp với các đại diện Mỹ cùng một số nước châu Âu ở Vienna (Áo). Cuộc họp này sẽ do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu chủ trì.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.