Gian nan trả bản năng gốc cho gấu

35 con gấu được thu gom về nuôi dưỡng tại trung tâm để huấn luyện chúng trở về bản năng gốc
35 con gấu được thu gom về nuôi dưỡng tại trung tâm để huấn luyện chúng trở về bản năng gốc
TP - Thấy có ăn bên ngoài, lũ gấu bị nhốt trong chuồng mắt long lên, tay xòe vuốt như muốn xé toang song sắt, mồm há to kêu vang cả một góc rừng. Bên ngoài chuồng gấu, những nhân viên cứu hộ ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai bình thản làm những công việc thường ngày: nuôi dạy gấu.

Trung tâm hiện có 35 con gấu, gồm 9 gấu chó và 26 gấu ngựa. Chúng được đưa đến Trung tâm từ những chuồng gấu do người dân nuôi nhốt và từ những vụ vận chuyển, buôn gấu trái phép. Lúc đến trung tâm, nhiều con tiều tụy, bệnh tật sau nhiều ngày bị giam cầm, bị người nuôi lấy mật. Nhiều gấu đã mất cả bàn tay, có con bị rút cả móng.

“Chúng bị dính bẫy thợ săn. Có con là nạn nhân để phục vụ nhu cầu quái lạ thể hiện đẳng cấp của con người”, một nhân viên cứu hộ nói. Để cứu chúng, trung tâm cứu hộ phải chăm sóc, điều trị tích cực. Tại đây, nhân viên trung tâm có kinh nghiệm (được đào tạo ở nước ngoài) đã nuôi dưỡng, huấn luyện gấu trở về với bản năng hoang dã rồi thả chúng trở lại môi trường tự nhiên. 
 

Khác với dạy gấu trở thành diễn viên xiếc, nhân viên ở trung tâm dạy chúng những bài học, thực hiện chế độ nuôi dưỡng riêng để tập dần cho hàng chục con gấu được trở về với bản năng gốc của loài động vật hoang dã. Ở trung tâm, mỗi con gấu được nhốt riêng một chuồng, có lối đi riêng dẫn ra bãi thả tập trung rộng khoảng 1 hécta cho gấu quen dần trong môi trường bán hoang dã. Hằng ngày, sau bữa ăn sáng tại chuồng với thực đơn gồm cháo trắng, trứng gà, trái cây, củ quả, gấu ngựa và gấu chó luân phiên được thả vào bãi tập trung. 

Ông Nguyễn Thế Việt, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ Cát Tiên, chỉ những con gấu ngựa đủng đỉnh đi lại trong bãi. “Đây là Núi, con kia là Quậy, con nữa là Tai Mèo”, ông Việt nêu tên. Phía xa cánh rừng, đàn gấu ngựa tản mát khắp nơi. Có con vắt vẻo trên thân cây, con trầm mình dưới hồ nước, con thì lùng sục tìm kiếm thức ăn là các loại trái cây được nhân viên trung tâm giấu trước đó. 

“Đây là một bài học cho gấu tự đi tìm kiếm thức ăn”, ông Việt nói. Lấy khúc cây khô đã được đục nhiều lỗ vào thân, ông Việt đổ mật ong vào lỗ, sau đó trám miệng lỗ lại rồi ném vào bãi. Đang ngồi thơ thẩn, Núi, Quậy và Tai Mèo nhanh chóng đánh hơi ra mùi mật. Chúng hoạt bát hẳn lên, mũi khìn khịt đánh hơi. Hai khúc cây chứa mật nhanh chóng được Núi và Quậy tìm thấy. Không lấy được mật ong bên trong, chúng xòe móng vuốt dài nhọn xé phăng khúc củi khô rồi liếm mật. 

Ông Việt nói: “Mật là món khoái khẩu của gấu, nhưng ở đây chỉ cho mỗi con ăn trong khoảng 500ml/tháng, bởi đây là mật ong nuôi, gấu ăn nhiều có thể bị bệnh đái tháo đường. Thức ăn hằng ngày thì tùy theo trọng lượng của từng con để cho lượng thức ăn phù hợp, không để cho gấu béo phì mà cũng không để chúng gầy yếu. Với gấu ngựa thì ăn 5- 10 cân/ngày, gấu chó ăn 3-6 cân/ngày”.

Ngày về còn xa

Nhiều con gấu đến với Trung tâm cứu hộ Cát Tiên đã hơn 10 năm nay. Theo kế hoạch, sau khi phục hồi sức khỏe và huấn luyện trở lại tập tính hoang dã, chúng sẽ được thả về môi trường thiên nhiên. Đến nay, chưa có con gấu nào được trả về hoang dã. Theo ông Việt, lý do là bản năng của chúng vẫn phụ thuộc con người. Ngay cả các chuyên gia của Quỹ Bảo tồn gấu Free The Bear có hàng chục năm kinh nghiệm cũng đánh giá gần như phải nuôi chúng suốt đời. 

Gian nan trả bản năng gốc cho gấu ảnh 1 Một bữa sáng cho gấu. Ông Việt đang đưa mật ong vào ống tre để dạy gấu kiếm mồi. Ảnh: M.T 
Về khách quan, nếu thả gấu về thiên nhiên, nguy cơ chúng bị tấn công bởi đồng loại và con người rất cao. “Do phụ thuộc nhiều vào con người, gấu sẽ tìm về khu dân cư gây hại”, ông Việt lý giải. Ở Trung tâm cứu hộ, gấu không được cho sinh sản. Các chuyên gia cũng không đồng ý cho sinh sản trong môi trường này. Ông Việt kể, có lần, một con gấu ngựa sinh được hai gấu con. Tuy nhiên, do stress trong môi trường bị nhốt, gấu mẹ đã ăn một con. Gấu con còn lại cũng chết sau đó, do Trung tâm không có thiết bị nuôi dưỡng. Vì vậy, việc cứu hộ gấu hiện nay cũng chỉ dừng lại ở môi trường bán hoang dã. Điều này đồng nghĩa đời sống của gấu sẽ còn phụ thuộc con người ở Trung tâm cứu hộ. Với 35 con gấu, mỗi năm kinh phí để nuôi dưỡng chúng tốn hết 450 đến 500 triệu đồng. Ông Việt cho biết, nguồn kinh phí chủ yếu phụ thuộc dự án của các tổ chức phi chính phủ. 

Khi lũ gấu được đưa vào đây, chúng bị stress nặng, lười vận động và mọi hoạt động đều phụ thuộc con người. Leo cây tìm thức ăn vốn là bản năng của gấu, nhưng những con gấu ở trong cũi sắt lâu ngày đã quên mất điều này. Nhân viên phải bỏ thức ăn vào túi dù hay dùng cây chứa mật ong vắt lên cành cây cao dụ dần cho gấu trèo lên. Mất một năm tập luyện như vậy gấu mới dần trở lại bản tính hoang dã. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG