Tăng quỹ đất giao thông, xử lý 8/34 điểm ùn tắc
Thưa ông, cùng với không phát sinh điểm ùn tắc mới, năm 2020, giao thông Hà Nội còn ghi nhận kết quả TNGT tiếp tục giảm sâu cả 3 tiêu chí, ông cho biết đâu là nguyên nhân?
Năm 2020 là năm đầy khó khăn đối với tất cả các lĩnh vực phát triển xã hội, trong đó có giao thông, tuy nhiên với sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị chuyên môn, công tác tổ chức, điều hành trên lĩnh vực đảm bảo trật tư, an toàn giao thông (ATGT) vẫn được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và thu đạt được một số kết quả rõ rệt.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện
Cụ thể, trong năm 2020 Sở GTVT đã phối hợp và đưa vào sử dụng một số công trình giao thông quan trọng có nhiệm vụ giảm xung đột, ùn tắc giao thông, như: Đường Vành đai 3 dưới thấp và trên cao đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu cạn Vành đai 3 dưới thấp vượt hồ Linh Đàm, đường Vành đai 2 trên cao, nút giao Vành đai 3 – cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sửa chữa mặt cầu Thăng Long… Sau khi các công trình này được thông xe, việc đi lại tại đây không chỉ thuận lợi, giảm ùn tắc cho tuyến đường, nút giao hiện hữu mà còn giảm tải cho các tuyến đường, nút giao khác trong khu vực. Nhờ vậy đã góp phần giúp tỷ lệ đất dành cho giao thông trong năm 2020 tăng lên đến 10,07%.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng chủ trì thành lập tổ công tác Liên ngành thực hiện các nhiệm vụ rà soát, khảo sát, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý đảm bảo ATGT, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua đó, liên ngành đã rà soát và xác định được 9 nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội lâu nay. Trong đó có các nguyên nhân cơ bản: như quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; lượng phương tiện tăng cao; xung đột giao thông tại các nút giao có mật độ phương tiện cao...
Trên, cơ sở nhận diện các nguyên nhân, Sở GTVT đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Kết quả: năm 2020, Sở GTVT và lực lượng phối hợp đã xử lý được 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông giờ cao điểm; xử lý xong 25 điểm đen TNGT giao thông. Đây cũng là năm đầu tiên trong nhiều năm qua, giao thông thành phố không ghi nhận điểm ùn tắc phát sinh mới.
Trong năm 2020, Sở GTVT Hà Nội cũng đã triển khai có hiệu quả nhiều nội dung chuyên môn có tác động tích cực đến đi lại, trật tự trên đường, trong đó đã hoàn thành 117 công trình sửa chữa cải tạo hạ tầng giao thông; vận tải hành khách công công vận chuyển được 746 triệu lượt khách, nâng tỷ lệ đáp ứng được 14,8%; điều chỉnh hành trình hoạt động 228 tuyến vận tải đi Hà Nội tại 6 bến xe; đề xuất Bộ GTVT xóa bỏ nhiều tuyến vận tải không còn phù hợp với quy định hướng tuyến; đã tổ chức 1.799 kỳ sát hạch, cấp mới 246.000 GPLX; công tác tuần tra, kiểm soát tiếp tục được chú trọng, trong năm Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, lập biên bản hơn 20.000 trường hợp, phạt tiền nộp vào kho bạc nhà nước trên 54 tỷ đồng…
9 nhóm giải pháp cải thiện ùn tắc giao thông
Tình hình giao thông trong năm 2021 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, ông cho biết các giải pháp Sở GTVT tập trung thực hiện?
Trên, cơ sở nhận diện các nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trong năm qua, năm 2021 và các năm tiếp theo, bên cạnh 6 nhóm giải pháp cơ bản, lâu dài đã được Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành, Sở GTVT tiếp tục chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện 9 nhóm giải pháp mang tính cấp bách. 9 nhóm giải pháp này có nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc, như quá tải kết cấu hạ tầng; gây xung đột giao thông trên đường…
Cụ thể, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh việc thi công, sớm đưa vào sử dụng các dự án giao thông quan trọng. Tiếp tục rà soát, xén mở rộng tối đa mặt đường, tăng điện tích đất dành cho giao thông, tăng thời gian lưu hành của phương tiện. Theo kế hoạch, trong năm 2021, Sở GTVT tiếp tục thực hiện xén mở rộng lòng đường các trục Liễu Giai - Văn Cao, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Tôn Thất Thuyết, cải tạo, chỉnh trang đường Yên Phụ, Thụy Khuê; điều chỉnh kích thước đảo giao thông nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Quốc Trị - Mạc Thái Tông...
Đặc biệt, với một số nút giao thông, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh, bất cập hàng rào công trường… dẫn đến ùn tắc, tạo thắt nút cổ chai, trong đó có: đường Minh Khai – Đại La, Lê Văn Lương– Tố Hữu, Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ, đường 70 đoạn Nhổn - Hà Đông và đoạn từ Hà Đông - Văn Điển, đường Nguyễn Tuân, đường Nguyễn Phong Sắc, đoạn từ Tô Hiệu - Hoàng Quốc Việt, dốc Vĩnh Hưng, nút giao Ba La - QL6… lãnh đạo Sở đã yêu cầu, Thanh tra giao thông làm việc với từng dự án, đơn vị có trách nhiệm đẩy nhanh công tác thi công, đồng thời bố trí lực lượng để cùng với CSGT trực tiếp hướng dẫn, phân luồng giao thông trực tiếp.
Phân luồng từ xa đảm bảo giao thông Tết
Dịp cao điểm Tết giao thông Thủ đô thường có diễn biến phức tạp, ông cho biết công tác đảm bảo giao thông năm nay?
Đối với dịp cuối năm và cao điểm Tết Tân Sửu, do xác định được nguyên nhân gây ùn tắc đầu tiên trong dịp này là lưu lượng phương tiện tăng cao, gây quá tải cho hạ tầng nên một trong những giải pháp được Sở GTVT Hà Nội thực hiện đầu tiên là phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý. Trong đó, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiệm vụ triển khai nghiêm các quy định của thành phố, như với các loại xe tải từ 1,5 tấn trở lên, xe chở hàng kinh doanh siêu trường siêu trọng… không được phép vào nội đô ban ngày. Cùng với đó, Thanh tra GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng có giải pháp phân luồng từ xa để giảm lượng xe tải, xe kinh doanh vận tải vào khu vực nội thành dịp cuối năm…
Ngoài ra, tại 6 bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội, Sở GTVT đã giao thanh tra giao thông chủ trì lập 6 “chốt” trực làm nhiệm vụ thường xuyên tại 6 bến xe lớn, gồm: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Sơn Tây. Nhiệm vụ chính của các chốt trực này là chuyên kiểm tra, xử lý các xe khách sau khi ra khỏi bến xe nếu dừng đỗ bắt khách, gây ùn tắc giao thông. Yêu cầu Trung tâm Giao thông công cộng, các doanh nghiệp vận tải buýt, bến xe có kế hoạch bố trí đủ phương tiện, tăng cường lượt xe đảm bảo việc đi lại của người dân, có phương án giải tỏa hành khách kịp thời trong những ngày cao điểm.
Trân trọng cảm ơn ông!