Anh Nguyễn Như Huy vừa có cuộc nói chuyện về công việc giám tuyển (nhà tư vấn tổ chức sự kiện nghệ thuật, thiết kế tổ chức triển lãm) trong khuôn khổ Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam và trong hoàn cảnh không ít ý kiến cho rằng, triển lãm này nên có sự tham gia của các giám tuyển. Tiền Phong có cuộc trò chuyện với anh (người đưa ra thuật ngữ “giám tuyển” - dịch từ “curator” trong tiếng Anh) về những lợi ích mà giám tuyển có thể đem lại không chỉ cho triển lãm toàn quốc mà còn cho cả nền nghệ thuật.
Nhiều người trong nước vẫn trông chờ ở curator khả năng nâng giá tác phẩm nghệ thuật và đưa nghệ thuật Việt Nam ra
nước ngoài?
Với họ, giám tuyển được giả định có một quyền lực, đọc tác phẩm để vinh danh nó lên. Không có. Giám tuyển chỉ là một mắt xích trong hệ thống nghệ thuật, làm việc chặt chẽ với nghệ sĩ để tạo nghĩa đẹp hơn, vui hơn, giàu có hơn cho tác phẩm.
Ví dụ, với tác phẩm mà tôi giám tuyển bên Thái Lan. Nghệ sĩ ban đầu định biến những lời “thú tội” của công chúng thành tranh thì tôi bảo không đủ mạnh. Sau đó, chúng biến thành các bức tượng nhỏ đeo ở ngực... Hai bên cùng nhau đẩy mạnh ý tưởng lên. Đây là một quá trình rất hạnh phúc.
Đương nhiên, làm curator ở Việt Nam sẽ đưa nghệ sĩ ra thế giới và khi đó giá trị được nâng lên, nhưng nó không phải công việc của curator. Nó phụ thuộc chủ yếu vào quy luật thị trường, bài bản kinh tế và nhà sưu tập. Curator độc lập là chàng lãng tử lang thang đọc các câu chuyện giống như nhà tiểu thuyết thời xưa. Bản thân tôi không cần tiền hoặc cần rất ít tiền. Tôi chỉ tìm chỗ trưng bày tác phẩm để tạo ra một quan niệm mới, tri giác mới, chia sẻ mới. Rất khác giám đốc sưu tập hay các nhà sưu tập. Họ có quyền lực thật. Nhưng họ không bao giờ có niềm vui như giám tuyển khi làm việc với các nghệ sĩ.
Anh đưa ra khái niệm “giám tuyển chuyên gia” chỉ những người nước ngoài đầu tiên khai phá công việc này ở Việt Nam trong thập kỷ 1990. Việc anh xuất hiện ở Myanmar có giống như thế?
Tôi sang Myanmar nghiên cứu, chứ không phải giám tuyển. Nên nhớ Myanmar rất giỏi. Việt Nam là kém nhất đấy.
Kém về...?
Nghệ thuật, nghệ sĩ. Các nghệ sĩ Myanmar giờ rất nổi tiếng trên thế giới và họ nói tiếng Anh rất giỏi. Myanmar phải là chuyên gia của Việt Nam thì đúng hơn. Nên nhớ thời điểm chuyên quyền nhất, họ vẫn có những festival về nghệ thuật trình diễn, người tổ chức từ Singapore sang. Chỉ có một vấn đề duy nhất là đến sân bay phải rút tiền cả trăm đô ra thì mới được nhập cảnh.
“Fountain” của họa sĩ, nhà điêu khắc Marcel Duchamp (1887-1968) từng được đấu giá 1,1 triệu USD. Trong tiếng Anh, “Fountain” có nghĩa chính là “đài nước”, “vòi phun”, nhưng thường được dịch sang tiếng Việt là “bồn tiểu” vì “Fountain” trong tác phẩm của Duchamp (người Pháp, sau nhập quốc tịch Mỹ) chính là một cái bồn tiểu lật ngửa. Ảnh: Alfred Stieglitz.
Vậy tại sao anh lại đặt chân được vào nơi nghệ thuật phát triển như Thái Lan, phải chăng họ vẫn thiếu giám tuyển?
Không. Nghệ thuật đương đại là một hệ thống toàn cầu. Nó toàn cầu hơn cả kinh tế, bóng đá. Bóng đá còn phân chia quốc gia. Đã làm việc trong một hệ thống toàn cầu thì tất cả biết nhau hết… Họ chỉ cần một cách đọc mới thôi. Giám tuyển cũng giống như DJ. Cùng một chất liệu âm nhạc, nhưng mỗi DJ lại có một phong cách mới.
Nhiều người vẫn không hiểu trong một hệ thống toàn những người không thèm tiền như các anh thì nghệ thuật đương đại sống bằng gì?
Nghệ thuật thế giới gắn bó chính trị và kinh tế nhiều. Ví dụ, một nghệ sĩ Thái Lan đi khắp các gallery chỉ để nấu lẩu thì về sau họ lại mua xoong chảo của ông ấy để bán. Tức là ông ta không thoát được khỏi thị trường. Có người toàn làm tác phẩm chống tư bản nhưng tư bản lại mua…
Trở lại Triển lãm toàn quốc, BTC sẽ có lợi gì khi phải bỏ một số tiền lớn hơn để tổ chức theo mô hình khác với sự tham gia của giám tuyển?
Việt Nam thiếu nhất tính chuyên nghiệp, nghĩa là sử dụng đúng công cụ để cắt nghĩa việc đang xảy ra. Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam đúng ra là một festival. Triển lãm được xây dựng trên cơ cấu ý tưởng, ý niệm. Còn festival cho những người ít có cơ hội được triển lãm xuất hiện, hoặc điểm lại những thành tựu mỹ học trong trường lớp của Việt Nam. Mặc dù BTC muốn mở cửa cho nhiều nghệ sĩ trẻ nhưng họ không tham gia. Nhiều khi chỉ vì: “Những người kém thế tham gia thì mình tham gia làm gì!?”. Nếu chúng ta quan niệm nó là festival thì có thể không cần giám tuyển. Tuy nhiên, triển lãm lần này đã khá hơn ở góc độ giám tuyển khi bắt đầu tổ chức các cuộc tọa đàm kết nối với công chúng. Nói chung, một triển lãm luôn có yếu tố giám tuyển. Dàn xếp ở mức độ đủ để biến hóa về chất thì thành triển lãm có giám tuyển thôi.
Trung Quốc khi tổ chức Biennale Bắc Kinh mời giám tuyển nước ngoài, lợi rất nhiều về kinh tế. Bây giờ tài nguyên thế giới hết rồi, chỉ có ngành công nghiệp sáng tạo thu được rất nhiều tiền từ du lịch, triển lãm, thuế khi bán được tác phẩm. Đấy là vấn đề của nhà nước. Tấm gương Trung Quốc rõ ràng rồi. Trong vòng 10-20 năm, nó bay như thế là vì nhà nước cũng được nhiều tiền. Ví dụ, khu 798 ở Bắc Kinh được đặt riêng ra, ông vào đấy muốn làm gì thì làm, chế giễu Mao Chủ tịch cũng được, ra ngoài thì không được. Thì nó biến thành kinh tế. Việt Nam chưa làm được thế.
Cảm ơn anh.