Giảm thuế VAT sẽ tiếp sức nhiều hơn cho dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Tài chính vừa đề xuất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Tổng số tiền thuế giảm khoảng 25.000 tỷ đồng. Các ngành sản xuất được ưu tiên giảm VAT nhằm kích thích người dân tăng sử dụng, tiêu dùng hàng hóa. Chuyên gia cho rằng, chính sách này sẽ góp phần tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp vượt khó.
Giảm thuế VAT sẽ tiếp sức nhiều hơn cho dân ảnh 1
Giảm VAT 2% góp phần giúp kích thích tiêu dùng của người dân

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, giảm VAT áp dụng với nhóm hàng hóa, dịch vụ mức thuế suất giảm từ 10% về 8%.

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... sẽ không được giảm VAT.

Dự kiến, thời gian áp dụng từ ngày 1/1 đến hết 30/6/2024. Việc thực hiện chính sách giảm VAT 2% trong thời gian này sẽ giảm thu ngân sách khoảng 25.000 tỷ đồng.

Là sắc thuế áp dụng với hầu hết hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nên việc giảm VAT sẽ giúp người dân trực tiếp hưởng lợi. Chị Nguyễn Hiền (Hà Nội) cho biết, hằng tuần gia đình vẫn mua thực phẩm tại siêu thị. Với số tiền khoảng 1 -1,5 triệu đồng mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng mỗi tuần tại siêu thị, sau khi giảm thuế, chị Hiền được giảm vài chục nghìn đồng.

“Giảm VAT sẽ giúp giá hàng hóa giảm theo. Chính sách giảm thuế VAT giúp tôi tiết kiệm tiền ngay từ việc mua đồ dùng thiết yếu hằng ngày nên tôi rất ủng hộ chính sách này”, chị Hiền chia sẻ.

Việc giảm VAT cũng giúp DN giảm chi phí đầu vào. Anh Phạm Quang Trung, chủ một DN vận tải xe khách chuyên tuyến Ninh Bình - Hà Nội chia sẻ, giảm VAT giúp DN của anh giảm chi phí từ mua xăng dầu, phí sử dụng đường bộ. Chi phí đầu vào giảm, giúp DN giảm gánh nặng chi phí. Từ đó, DN của anh Trung có điều kiện giảm giá vé cho hành khách.

Trước đó, chính sách giảm VAT góp phần hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn. Năm 2022, tổng gói hỗ trợ giảm VAT khoảng 44.000 tỷ đồng và giảm gần 12 tỷ đồng trong 3 tháng (tháng 7, tháng 8 và 9/2023).

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% sẽ góp phần giảm giá bán. Từ đó người dân sẽ được giảm trực tiếp chi phí.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, việc giảm 2% VAT thời gian qua phát huy tác dụng thiết thực; giúp kéo giảm giá hàng hóa. Chi phí đầu vào giảm, người tiêu dùng mua được hàng hóa rẻ hơn.

“Giảm VAT cũng giúp giảm áp lực lạm phát, đảm bảo cân đối vĩ mô lớn hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính sách này hỗ trợ trực tiếp giảm khó khăn trước mắt cho hộ gia đình, nhất là lao động thu nhập thấp. Với tác dụng như trên, chính sách giảm thuế nên kéo dài hơn so với đề xuất”, ông Việt đề xuất.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc giảm VAT hết sức cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế, cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn. Theo ông Thịnh, thị trường xuất khẩu thế giới giảm, hàng hóa ứ đọng khiến DN đọng vốn. Việc giảm VAT sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, giá bán ra, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả kiến nghị cơ quan chức năng mở rộng ngành nghề, lĩnh vực hỗ trợ giảm VAT 2%. Theo ông Long, trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, áp dụng giảm VAT ở nhiều ngành nghề; với nhiều hàng hóa, dịch vụ thì càng tốt. Việc giảm VAT giúp kích thích tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.

“Giảm VAT 2% sẽ trực tiếp giảm giá hàng hóa, không cần thực hiện thủ tục rườm rà; sẽ giúp tiếp sức người dân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Long nói.

MỚI - NÓNG