Doanh nghiệp, người dân ngóng giảm thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ chấp thuận đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại mặt hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Khoảng 35.000 tỷ đồng tiền thuế sắp được giảm

Người dân, doanh nghiệp ngóng chờ chính sách giảm 2% VAT, bởi số tiền thuế này sẽ trực tiếp góp phần giảm giá bán hàng hóa, một phần giảm chi phí kinh doanh. Chị Phạm Hiền (Hà Nội) cho biết, gia đình chị thường vào siêu thị mua thực phẩm tươi sống và mặt hàng phục vụ cuộc sống hằng ngày như dầu ăn, mắm muối, bột giặt. Số tiền mua thực phẩm mỗi tuần khoảng 1,5 triệu đồng. Cùng với đó, mỗi tháng, số tiền mua bỉm sữa cho 2 con nhỏ khoảng 3 triệu đồng.

Doanh nghiệp, người dân ngóng giảm thuế VAT ảnh 1

Giảm VAT sẽ giúp kích thích nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.

“Chi phí sinh hoạt mỗi tháng của gia đình tôi khoảng 9-10 triệu đồng. Khi mua hàng hóa tại siêu thị đều chịu VAT 10%. Từ cuối năm 2022 tới nay, kinh tế khó khăn, công ty cắt giảm thu nhập, nếu có thêm chính sách giảm VAT, gia đình tôi sẽ có thêm một phần tiền để mua hàng hóa phục vụ sinh hoạt hằng ngày”, chị Hiền chia sẻ.

Không chỉ người dân, doanh nghiệp (DN) cũng ngóng giảm VAT. Anh Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Cty xe khách chuyên tuyến Thanh Hóa - Hà Nội cho biết, nếu được giảm VAT, chi phí đầu vào của DN cũng giảm theo. Anh Thành nhẩm tính, một xe khách 45 chỗ mỗi tháng chi khoảng 600.000 đồng phí đường cao tốc.

“Với 6 xe khách chuyên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, khi được giảm VAT 2%, chúng tôi được giảm một phần phí đường cao tốc. Chi phí này có thể bù vào việc giảm giá vé cho hành khách, giảm chi phí đầu vào”, anh Thành chia sẻ.

Cùng chung mong chờ, nhiều hiệp hội cũng ủng hộ đề xuất giảm VAT 2%. Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM phản ánh, từ cuối năm 2022 đến nay, DN gặp nhiều khó khăn khi áp lực lãi suất tăng nhanh, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao. Nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng. Trước thực tế này, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM đề xuất, cơ quan chức năng nên sớm giảm VAT nhằm trợ lực cho DN qua giai đoạn khó khăn.

Tại tờ trình gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất VAT với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%)... Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm 2% VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ (thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%) trong 6 tháng, tổng số tiền thuế giảm khoảng 35.000 tỷ đồng. Năm 2022, tổng gói hỗ trợ giảm VAT khoảng 44.000 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ người dân, DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cần giảm cả giá hàng hóa để hỗ trợ người dân

Gửi góp ý tới Bộ Tài chính về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm VAT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoàn toàn đồng tình với việc giảm 2% VAT. Cùng với đó, VCCI ủng hộ phương án giảm thuế đối với toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ (thay vì chỉ giảm đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ).

“Giảm thuế với một số mặt hàng khiến việc kê khai và nộp thuế trở nên vô cùng phức tạp. DN, cơ quan thuế, cơ quan hải quan đều lo ngại việc xác định không đúng mặt hàng sẽ dẫn đến nguy cơ bị xử phạt, xử lý kỷ luật sau này. Do đó, việc giảm thuế cho tất cả hàng hóa, dịch vụ là hợp lý”, VCCI nhận định.

Theo TS Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), việc giảm VAT sẽ phủ rộng, tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều DN. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, hỗ trợ về phí và thuế là một trong những hỗ trợ quan trọng nhất.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đánh giá, chính sách giảm VAT cần thiết đối với DN và người dân, nhất là khi quý 1, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN rất khó khăn. Số DN phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM), cho rằng, việc giảm VAT sẽ giúp hàng hóa rẻ hơn, qua đó tác động trực tiếp vào những người mua hàng cuối cùng, từ đó kích thích sức mua. Nhờ chính sách này, DN giải phóng được hàng tồn, giúp thu hồi vốn, tạo vòng quay sản xuất mới; người lao động cũng có việc làm.

Bên cạnh đánh giá cao và ủng hộ chính sách giảm 2% VAT trong giai đoạn hiện nay, ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, nói rằng, cần phải giảm giá sâu và có thêm nhiều giải pháp khác để kích cầu sức mua, tiếp sức DN. “Vấn đề hiện nay là việc làm của người lao động. Nếu lao động thất nghiệp thì lấy gì mua sắm dù sản phẩm có giảm giá. Chính phủ cũng cần thúc đẩy hoàn thuế VAT 10% cho DN; đẩy mạnh giải pháp giảm lãi suất vay vốn ngân hàng để DN dễ dàng tiếp cận vốn, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân…”, ông Dũng đề xuất.

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Duy Minh cho rằng, nếu chính sách giảm thuế VAT 2% chỉ áp dụng đối với DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, in ấn… như năm 2022, các DN có thể được hỗ trợ giảm thuế khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, nếu áp dụng cho tất cả các lĩnh vực chịu VAT, khoản hỗ trợ này sẽ rất lớn. Hiện tại, thành phố vẫn chưa tính toán được, nhưng con số hỗ trợ có thể lên đến 15.000 tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm 2% VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ (thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%) trong thời gian 6 tháng, tổng số tiền thuế giảm khoảng 35.000 tỷ đồng. Năm 2022, tổng gói hỗ trợ giảm VAT khoảng 44.000 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

MỚI - NÓNG