> Đề xuất ngân hàng không thắt tín dụng
Nhiều ngân hàng lớn đã giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2011. Ảnh: Xuân Phú. |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết như vậy tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2- 2012, tổ chức chiều 6- 3.
Đủ cơ sở giảm lãi suất
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá, trong tháng 2 và hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế- xã hội có chuyển biến tích cực.
Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ và quyết liệt đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn do lãi suất cao. Sản xuất công nghiệp tăng chậm và tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, hàng hóa tồn kho gia tăng.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước ngay sau phiên họp tháng 2 điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất, bởi đến thời điểm này có đủ cơ sở để giảm lãi suất.
Trả lời câu hỏi của báo chí về lộ trình giảm lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, đến thời điểm có thể hạ mặt bằng lãi suất thêm 1%. Điều này đồng nghĩa, tất cả các mức lãi suất điều hành của NHNN như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất qua đêm đồng loạt giảm 1%. Trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng cũng giảm 1%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN sẽ có biện pháp điều phối việc cung ứng tiền theo hướng tạo ra các nguồn vốn để các tổ chức tín dụng có thể sử dụng cho vay. Trong quá trình tái cấp vốn sắp tới, NHNN sẽ nâng kỳ hạn lên 3- 6 tháng.
Vừa qua, NHNN đang mua một lượng lớn ngoại tệ. Riêng 2 tháng đầu năm 2012, dự trữ ngoại hối đã tăng 20% so với năm 2011. Lượng tiền đồng đưa ra mua ngoại tệ cũng cung cấp vốn cho thị trường. Đi liền đó, NHNN sẽ phát hành tín phiếu NHNN với mức lãi suất hợp lý để hút vốn tạm thời dư thừa quay lại ngân hàng. Kiểm soát dòng tiền dư thừa để không gây áp lực lạm phát.
Theo ông Bình, nếu kiềm chế lạm phát dưới 10% thì trung bình mỗi quý sẽ giảm lãi suất 1%, đến cuối năm 2012 lãi suất huy động sẽ xuống 10%.
Đang kiểm soát chặt chẽ 9 tổ chức tín dụng
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong 2 tháng đầu năm 2012 tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện. Tuy nhiên, trong hệ thống ngân hàng, còn 9 tổ chức tín dụng có tình hình tài chính yếu kém, đang nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của NHNN.
NHNN đang cùng các tổ chức tín dụng này xây dựng kế hoạch tái cơ cấu. Chín tổ chức tín dụng này chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần trong toàn hệ thống, sau chấn chỉnh ban đầu thì thị phần của những tổ chức tín dụng yếu kém chỉ chiếm 6%, nên ảnh hưởng không đáng kể đến toàn hệ thống. Những ngân hàng yếu kém còn nợ quá hạn trên thị trường liên ngân hàng, bị lãi suất phạt là 18- 20%.
Giá xăng, dầu có khả năng tăng 1.000 đồng/lít
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong tháng 2- 2012 giá xăng, dầu tăng cao nhất trong 9 tháng qua. Mức tăng 2- 7%, trong đó tăng mạnh nhất là xăng thành phẩm. Giá cơ sở chưa tính Quỹ bình ổn giá thì đang cao hơn giá bán lẻ hiện hành 2.000 đồng/lít. Giá xăng, dầu trong nước đang thấp hơn các nước trong khu vực 4.000- 8.000 đồng.
Chính phủ sẽ điều hành giá xăng, dầu theo Nghị định 84. Nếu như sau khi sử dụng thuế, quỹ bình ổn để điều hành mà giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán hiện hành thì phải điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước ở mức hợp lý.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về kiến nghị điều chỉnh giá của các doanh nghiệp xăng dầu, bà Mai cho biết, Bộ Tài chính đang tính toán. Nếu chưa sử dụng quỹ bình ổn thì phải tăng 2.000 đồng/lít, nếu sử dụng quỹ thì phải tăng trên dưới 1.000 đồng/lít tùy mặt hàng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ - Vũ Đức Đam cho biết, sau phiên họp Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xung quanh vấn đề điều hành giá xăng dầu để có chỉ đạo cụ thể.
Kiến nghị ba phương án giảm lãi suất
Trước đó 1 ngày, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đã gửi lên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính kiến nghị về 3 phương án giảm lãi suất (LS). Phương án 1, như cách thức NHNN đang triển khai là chỉ đạo các NHTM nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, từ đó lan tỏa đến các NHTMCP khác.
Tại phiên họp này, Chính phủ cũng thảo luận và cho ý kiến về Đề án tổng thể cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012- 2020; Đề án một số vấn đề an sinh xã hội giai đoạn 2012- 2020. |
Cùng đó theo tín hiệu tăng giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và thị trường liên ngân hàng, NHNN bơm tiền ở mức độ, liều lượng và cuối cùng từng bước hạ trần lãi suất huy động. Như vậy, vào cuối năm, LS phổ biến ở mức 15% - 17%.
Phương án 2, kiến nghị NHNN giảm ngay LS huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống mức 11%/năm. Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng chiếm 40%- 55% tổng lượng tiền gửi. Cùng đó, khống chế LS tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm. Dự kiến, LS cho vay sẽ phổ biến ở mức 14%- 15%.
Cuối cùng, VAFI đặt mục tiêu hạ LS cho vay xuống 10% với việc áp thuế GTGT, tiêu thụ đặc biệt mức 20% lên giao dịch bằng vàng; quy định LS tiền gửi ngoại tệ và vàng ở mức 0%/năm. Theo tổ chức này khi đó, dòng tiền vào thị trường vàng, ngoại tệ sẽ gần như bị ngăn chặn.
VAFI cũng khẳng định LS cho vay giảm sẽ cứu được hàng vạn doanh nghiệp đang trong tình trạng phải giải thể phá sản, kích thích thị trường chứng khoán phục hồi phát triển, giúp cho hệ thống NHTM và doanh nghiệp trong nước huy động được nhiều vốn tự có, giảm nợ vay, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.