Giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng

Giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Nếu cứ giữ mục tiêu 20% như đã đề ra thì có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

9 điểm định hướng giải pháp tiền tệ các tháng cuối năm
> Giảm lãi suất nhỏ giọt

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa gửi báo cáo lên Chính phủ đề xuất việc giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay xuống 15% thay vì chỉ tiêu 20%. Nếu vẫn cứ giữ mục tiêu 20% như đã đề ra thì có thể gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

Bảy tháng đầu năm mới tăng 7,23%

Ủy ban này cho rằng mức tăng 7,23% của bảy tháng đầu năm là thấp so với mục tiêu 20% của cả năm. Nếu giữ nguyên mục tiêu tăng tín dụng cả năm 2011 ở mức 20%, mức tăng trung bình trong những tháng còn lại phải đạt khoảng 2,6% mỗi tháng. Đây là mức tăng trưởng quá cao trong điều kiện hiện nay.

Để phù hợp với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của năm 2011, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia kiến nghị nên giữ tốc độ tăng trưởng hằng tháng không quá 1,8%-2% trong thời gian còn lại của năm. Như vậy, nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng của 2011 xuống mức 15%. Mức tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm cũng nên được rút xuống mức 11%-12%, thay vì 15% như hiện nay.

Đưa ra hai con số cho rằng cần phải giảm tỉ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm nay, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thứ nhất là tỉ lệ cho vay so với huy động vốn của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện thường xuyên ở mức trên 0,9, cao thứ hai trong khu vực Đông Á, chỉ sau Hàn Quốc. Thứ hai là tỉ lệ nợ xấu tăng từ 2,19% cuối 2010 lên 2,91% (tháng 7-2011).

Trong bối cảnh lãi suất cho vay VND còn rất cao thì việc đẩy mạnh cho vay mà không chú trọng đến khả năng hấp thụ vốn là điều rất rủi ro. Ảnh: HTD

Đồng tình với đề xuất giảm tỉ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng xuống 15%, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội, cho rằng đây là mức hợp lý. Bởi lẽ trong bối cảnh lãi suất cho vay VND còn rất cao, tới 20%/năm, thậm chí 22%/năm thì việc đẩy mạnh cho vay mà không chú trọng đến khả năng hấp thụ vốn của dự án vay vốn là điều rất rủi ro. Mặt khác, với chi phí vốn quá cao, rủi ro không chỉ cho riêng DN mà hệ thống ngân hàng cũng phải có chung trách nhiệm chia sẻ. Còn đối với nền kinh tế, nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trong năm 2012 nếu như chúng ta vẫn cố đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng sát 20%.

Dự báo CPI năm nay 18%

Về vấn đề lạm phát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng năm 2011 nhiều khả năng chỉ số giá tiêu dùng dao động quanh ngưỡng 18%. Để kiềm chế lạm phát hiệu quả hơn, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề xuất thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, thúc đẩy lưu thông, phân phối hàng hóa…

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng Nghị quyết 11 cũng nhấn mạnh chính sách tiền tệ “chặt chẽ và thận trọng”. Nghị quyết 11 không hề nói “thắt chặt” tiền tệ mà nói ngân hàng trung ương phải “điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng để đảm bảo kiềm chế lạm phát”.

Để hạ lãi suất, theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước có thể triển khai một chương trình cung cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại với lãi suất 3%-4%/năm, để từ đó các ngân hàng thương mại cho DN vay với lãi suất 7%-8%/năm. Đối với các dự án phát triển nông nghiệp, đánh bắt và nuôi thủy sản, lãi suất cho vay có thể rút xuống mức 3%-4%/năm.

“Điều quan trọng là phương thức thực hiện, cần phải kiểm soát dòng tiền không chảy sang khu vực phi sản xuất, đầu cơ gây lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cần quy định chặt chẽ các chỉ tiêu và điều kiện cho DN vay vốn. Theo đó, chỉ vay theo dự án, giám định dự án thật sự khả thi, có hiệu quả kinh tế cao, đủ khả năng hoàn trả vốn và lãi, không giải ngân một lúc toàn bộ số vốn vay” - ông Thành kiến nghị.

Tăng trưởng tín dụng cả năm có thể chỉ 18%

Về khả năng nới lỏng tín dụng từ nay đến cuối năm, dùng cho hết dư địa còn lại của chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 20% có thể kích thích lạm phát, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 tối 1-9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng không đến mức như vậy. Theo ông Bình, cho tới tháng 8, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,7%. Ông Bình cho biết chủ trương tại kỳ họp Chính phủ này là từ nay đến hết năm không nhất thiết phải dùng hết “dư địa” còn lại mà có thể dừng ở mức 18%. Phần tín dụng còn lại này sẽ được điều hành chặt chẽ, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh, sản xuất có hiệu quả, quyết không để đẩy lạm phát lên cao.

Theo Lê Thanh
Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.