Bộ GD&ĐT có công văn gửi 16 trường ĐH, CĐ về việc không giao chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, việc xác định số lượng chỉ tiêu tuyển sinh ngành đào tạo giáo viên của các trường do Bộ căn cứ nhu cầu của các địa phương về nhân lực giáo viên trình độ ĐH, CĐ chính quy năm 2023 để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo, tuyển sinh.
Trong 16 trường, có 11 trường trực thuộc tỉnh thành không có nhu cầu đào tạo giáo viên gồm: Bến Tre, Cà Mau, Bắc Ninh, Cao Bằng, Lâm Đồng, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Quảng Nam; có 4 trường CĐ đã sáp nhập với cơ sở đào tạo khác gồm: Hà Tây, Hà Giang, Bình Thuận và Hải Dương; trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên-Huế chưa đăng ký chỉ tiêu đào tạo.
Vì vậy Bộ không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm theo quy định đối với các trường kể trên.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ tốt nghiệp năm 2023 Ảnh: Duy Phạm |
Những trường được đào tạo còn lại khi Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu có giảm đáng kể so với dự kiến các trường công bố. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 được giao 919 chỉ tiêu khối ngành sư phạm trong khi chỉ tiêu dự kiến trong Đề án tuyển sinh của trường là trên 2.600, giảm hơn 1.700 chỉ tiêu. Trong đó, ngành giảm chỉ tiêu sốc nhất là Sư phạm Hóa học, từ 563 xuống còn 20. Nhiều ngành khác cũng bị giảm mạnh như Sư phạm Toán học, Sư phạm Lịch sử…
Địa phương không mặn mà đặt hàng đào tạo
Giai đoạn 2022 - 2026, ngành giáo dục được Bộ Chính trị giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên. Năm học vừa qua, các địa phương được tuyển bổ sung 27.850 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Nhưng thống kê của Bộ GD&ĐT đến tháng 11/2022, có tới gần 40 địa phương không đặt hàng đào tạo giáo viên. Những địa phương đặt hàng số lượng cũng rất khiêm tốn.
Năm 2022, Bộ GD&ĐT giao các trường trên 28.000 chỉ tiêu đào tạo giáo viên. Nhưng đặt hàng có gần 2.000, đạt 7,1%. Trong đó các trường trực thuộc Bộ là 1.600 chỉ tiêu, các trường địa phương là 327 chỉ tiêu.
Theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, UBND tỉnh thành rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ GD&ĐT trước ngày 31/1 hằng năm.
Hôm qua, tại hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT 2023, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cho biết cuối năm học 2022-2023, cả nước tuyển dụng thêm được hơn 17.000 giáo viên công lập. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được. Tình trạng thừa thiếu giáo viên vẫn chưa thực hiện triệt để, không tuyển dụng được hết biên chế được giao. Tỷ lệ giáo viên còn thấp, cơ cấu thiếu cân đối.
Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo, Bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo để thực hiện tuyển sinh.
Tuy nhiên, chính sách vẫn đang tắc ở khâu đặt hàng từ phía các địa phương. Nhưng nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chính sách chưa rõ việc bồi hoàn kinh phí khi sinh viên ra trường không có việc làm; vướng mắc bồi hoàn kinh phí khi sinh viên bỏ học, xin chuyển trường; địa phương thiếu giáo viên tại cấp huyện nhưng không có sinh viên trúng tuyển…
Chính vì những vướng mắc này nên địa phương không mặn mà với đặt hàng đào tạo giáo viên. Đây cũng là nghịch lý trong giao chỉ tiêu đào tạo ngành học đặc thù này. Giáo viên còn thiếu nhiều, nhưng chỉ tiêu được giao lại giảm vì địa phương không đặt hàng.