Phụ huynh áp lực
Tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về học phí các cấp học thuộc hệ thống trường công lập. Theo đó, tại khu vực thành thị, học phí các cấp học là 300.000 đồng/tháng; khu vực nông thôn, học phí từ 100.000 đồng- 200.000 đồng/tháng; tại các xã miền núi, học phí từ 50.000 đồng-100.000 đồng/tháng. Với mức học phí trên, một số phụ huynh cho rằng số tiền đóng góp không đáng kể. Tuy nhiên, với những gia đình không có điều kiện, khoản tiền học phí trên cũng là một áp lực.
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Vân (đội nón, bìa phải) buôn bán rau củ để kiếm thêm thu nhập. |
Chị Nguyễn Thị Vân, trú tại xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết ở quê, cuộc sống của gia đình khá vất vả. Chồng chị làm công nhân mỗi tháng thu nhập cả tăng ca được khoảng 10 triệu đồng. Còn chị đã gần 40 tuổi nên không công ty nào nhận. Vì thế, chị mua chiếc xe máy cũ để đi “buôn thúng bán mẹt”. Hằng ngày, chị dậy sớm, chạy xe ra chợ đầu mối mua vài kg cà chua, ít rau củ, trái cây rồi chạy về ngã ba xóm Giếng Chùa (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) ngồi bán. “Hôm nào đắt hàng thì lãi được khoảng 120.000 đồng, còn không thì hòa vốn hoặc lỗ. Do không có tủ bảo quản, nhiều hôm bán không hết hàng, tôi phải chia cho người thân, hàng xóm ăn “giúp”, bởi nếu để đến hôm sau thì cũng hỏng”, chị chia sẻ.
Vợ chồng chị có 2 con trai. Cháu đầu học lớp 10, cháu thứ 2 học lớp 9. Tuy học trường công, mang tiếng học phí thấp nhưng lại có nhiều khoản quỹ khác. Vì thế, đầu năm học nào gia đình chị cũng “méo mặt” với các khoản đóng góp, trung bình mỗi cháu cũng mất vài triệu đồng. “Thu nhập của vợ chồng tôi được hơn chục triệu đồng, trong khi bao nhiêu khoản phải chi, từ sinh hoạt phí của gia đình đến đối nội, đối ngoại rồi học hành cho con. Nếu các con được miễn học phí thì là niềm mong mỏi của không chỉ gia đình tôi”, chị Vân bày tỏ.
Tương tự, gia cảnh chị N.T.N. (xã Minh Quang, huyện Ba Vì) cũng rất khó khăn. Ở nhà, vợ chồng chị làm nương rẫy để mưu sinh. Lúc nông nhàn, vợ chồng đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Công việc bấp bênh nên gia đình chị luôn trong cảnh túng thiếu. Cuộc sống gia đình khó khăn, nên việc học của 2 con cũng bị ảnh hưởng. Cô con gái đầu học dù học giỏi nhưng nhiều lần muốn xin nghỉ để hỗ trợ bố mẹ. Nhà trường, giáo viên vừa động viên tinh thần, lại hỗ trợ vật chất nên cháu học hết THPT. Năm ngoái, cháu đậu đại học, gia đình bán tất đồ có giá trị trong nhà được 6 triệu đồng cho con nhập học. Năm nay, ngoài lo hỗ trợ cho con gái đầu, vợ chồng chị cũng lo các khoản đóng góp cho cô con gái thứ 2 đang học lớp 6. Chị tìm hiểu thấy, học phí năm nay tăng hơn nên rất lo lắng. “Vài trăm ngàn đồng/tháng với chúng tôi là một khoản lớn. Vì thế, nếu thành phố miễn học phí cho các con thì chúng tôi đỡ vất vả hơn”, chị N. nói.
Miễn học phí để giảm “gánh nặng” cho phụ huynh
Chị Nguyễn Thị Phi (trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) hiện là nhân viên văn phòng, thu nhập mỗi tháng được khoảng 6,2 triệu đồng. Chồng không có việc làm ổn định, hằng ngày chạy xe công nghệ kiếm thêm thu nhập. Chị bảo, tổng thu nhập mỗi tháng vợ chồng được khoảng 14 triệu đồng. Trong đó, riêng tiền chi thuê nhà đã hết 4,5 triệu đồng, đó là chưa tính các chi phí sinh hoạt khác. Vợ chồng chị có 2 con. Cháu lớn học lớp 10, cháu nhỏ học lớp 7. Vì thế, đầu năm học, ngoài sách vở, quần áo, vợ chồng chị còn phải chi khoảng 6 triệu đồng cho các khoản đóng góp đầu năm. “Học phí mỗi tháng của 2 con là 600.000 đồng. Vợ chồng tôi cũng phải chi tiêu dè sẻn để cố gắng lo cho con theo học”, chị Phi chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Huyền (quận Hà Đông) lại cho rằng, học phí ở các bậc học trên địa bàn Hà Nội không cao. Tuy nhiên, phụ huynh không chỉ phải đóng học phí mà còn phải đóng thêm ít nhất 10 khoản thu khác. Trong khi đó, đại đa số phụ huynh còn phải bỏ ra nhiều chi phí cho việc học thêm, học tăng cường tiếng Anh, dã ngoại. Hằng tháng, học phí và các khoản tiền học thêm cũng mất 2-3 triệu đồng, từ đó tạo thêm áp lực cho phụ huynh. Do đó, nếu học phí được miễn thì sẽ giảm áp lực cho phụ huynh, chị Huyền nói.
Một giáo viên tại trường THCS Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho rằng, những năm gần đây, tình hình kinh tế, nguồn thu của Thủ đô đều tăng. Do đó, nếu có thể thành phố nên xem xét miễn học phí cho đến hết bậc THPT. Nếu làm được như vậy sẽ thể hiện được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước và thành phố đến giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tạo điều kiện tốt cho con em nhân dân ở mọi đối tượng, ở các địa phương có điều kiện để học tập.