Các phân tích của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học bang Louisiana cho thấy vitamin C có nhiều nhất ở mô trên mặt lá non và chồi rau lang, nhiều hơn so với ở thân dây, cuống lá và củ khoai. Kết quả cũng cho thấy riboflavin có nhiều hơn ở lá già so với củ và lá non.
Lượng vitamin B6 ở lá già cao gấp 3,4 lần và ở cuống lá già cao gấp 2-3 lần so với ở củ. Chồi và lá non cũng giàu vitamin B6 hơn củ. Nhóm nghiên cứu nhận thấy hàm lượng vitamin B6 ở rau lang nhiều tương đương bông cải, cà rốt, chuối và trái bơ. Thiamin không được phát hiện ở lá nhưng theo nhận định của họ thì có thể tùy thuộc giống cây trồng.
Lá khoai lang chứa nhiều chất lutein và zeaxanthin (xanthophylls) rất có lợi cho mắt, đặc biệt là trong việc phòng chống bệnh AMD (thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác) và bệnh đục thủy tinh thể. Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn cho biết chất xanthophylls trong rau lang cũng có đặc tính chống đột biến gen và tế bào gây bệnh ung thư.
Vì vậy, ăn rau lang thường xuyên sẽ có thể phòng ngừa căn bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi. Hơn nữa, ngày càng có nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy chất lutein và zeaxanthin trong rau lang còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh tim mạch vành và đột quỵ.
Trong các bữa ăn của người bệnh tiểu đường, nên thường xuyên dùng món rau lang luộc vì chúng có đặc tính giảm đường huyết rất tốt. Đọt rau lang có chứa một chất gần giống insulin mà ở lá già không có chất này.Vì thế, các bệnh nhân tiểu đường có thể dùng đọt lá rau lang để ăn như là một phương thuốc bảo vệ sức khỏe của mình.