Vi phạm xây dựng, Thanh tra xây dựng biết hết
Sáng nay (6/12), HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để tiến hành tái chất vấn về những vấn đề được cử tri và người dân Thủ đô quan tâm.
Lý giải việc chọn 2 nhóm vấn đề về quản lý đô thị (quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng siêu méo); công tác bảo đảm trật tự đô thị và thu gom xử lý rác thải; bảo đảm an toàn PCCC và quản lý quảng cáo... tái chất vấn tại lỳ họp lần này, theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc là qua khảo sát của Thường trực, các ban của HĐND TP và qua báo cáo giải trình nhận thấy các nội dung chất vấn, kiến nghị tập trung nhiều vào lĩnh vực quản lý đô thị.
Tuy đã có chuyển biến tích cực xong mới giải quyết được 54,2%, còn 45,8% kiến nghị thuộc lĩnh vực quản lý đô thị đang trong quá trình thực hiện chưa có chuyển biến rõ rệt. Vì vậy, cần phải tiếp tục giám sát, chất vấn nhằm tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực này.
Theo ĐB Vũ Ngọc Anh (quận Nam Từ Liêm) về công tác quản lý trật tự xây dựng, dù các kết luận chất vấn của chủ tọa tại kỳ họp HĐND TP năm 2016, thành phố đã yêu cầu xử lý nghiêm các tồn đọng trước ngày 30/9/2017 và không để xảy ra các vi phạm mới, nhưng đến nay không những vi phạm cũ còn tồn tại mà hàng trăm trường vi phạm mới phát sinh. Vậy trách nhiệm thuộc về ai, biện pháp để xử lý dứt điểm?
Theo Giám đốc Sở Xây dựng ông Lê Văn Dục cho biết, mặc dù hy vọng sẽ giải quyết triệt để nhưng trên thực tế những tồn đọng vẫn còn kéo dài: "Đối với 300-400 trường hợp phát sinh mới trong năm 2017 (trong đó có hơn 200 trường hợp đất nông nghiệp), đã có 50% đã có kết luận cưỡng chế thì sẽ kiên quyết thực hiện. Như vậy chúng ta cần giải quyết ngay các trường hợp của 2017 chứ không để đến 2018, phấn đấu nếu có đủ điều kiện thực hiện sẽ giải quyết nốt 345 trường hợp trong năm 2017", ông Dục cho biết.
Ông Dục cũng thừa nhận, bên cạnh tồn tại hàng trăm trường hợp vi phạm cũ, các địa bàn vẫn để xẩy ra vi phạm mới với gần 2.000 công trình. “Hiện các vi phạm mới đều đã có phương án xử lý gửi cho chính quyền địa phương, phấn đấu giải quyết dứt điểm trong năm 2018. Cứ bảo không biết chứ Thanh tra xây dựng biết hết. Tai mắt khắp nơi, nên đã kiểm tra 100% công trình, có ngày giờ, địa điểm kiểm tra để quy trách nhiệm”, ông Dục nói.
Không đẩy trách nhiệm lên thành phố
Nhận được nhiều câu hỏi tái chất vấn yêu cầu nói rõ thời hạn, trách nhiệm trong việc xử lý nhà sai phép, trái phép, nhà siêu mỏng siêu méo, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, đối với nhà siêu mỏng siêu méo phân ra nhóm tồn tại nhiều năm (132 trường hợp tồn tại 13 năm như ở Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao…), trong năm 2017 chỉ giải quyết được 16 tồn tại.
Lý giải về xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Dục cho rằng vấn đề cực kỳ phức tạp do có liên quan tới nhiều quy định của pháp luật. "Tôi xin hỏi đồng chí Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, liệu khi mở những con đường mới còn xuất hiện tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo?", ông Dục chuyển vấn đề “nóng” sang Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.
ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh) cho rằng, theo kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Chủ tọa yêu cầu Sở Xây dựng và Sở TN&MT, phối hợp các quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm công trình siêu méo siêu mỏng tồn đọng và phát sinh mới. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn nhiều quận huyện vẫn còn tồn tại tình trạng này thậm chí còn phát sinh thêm.
“Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch quận: Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ cho biết vì sao chưa xử lý dứt điểm, và trách nhiệm thuộc về ai”, ĐB Cường đặt câu hỏi.
Về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, vị lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, xác định đây là những vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, rất khó giải quyết triệt để. Sở đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra xuống các quận huyện, thị xã. Từ 13/7 đến 30/11/2017, Sở đã giải quyết và còn 123 trường hợp tồn đọng trước 31/12/2017 và vẫn còn phát sinh mới.
Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, lộ trình, phương án xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo cụ thể chứ không cần viện dẫn số liệu và thông tin về việc phân loại các vi phạm này? Bởi theo bà Ngọc vấn đề này và vấn đề xử lý vi phạm trật tự xây dựng bản thân bà đã 3 lần chất vấn ở các kỳ họp HĐND TP lần trước.
Trả lời cụ thể về lộ trình xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trong quý 1/2018, Sở và các cơ quan liên quan sẽ tham mưu trình thành phố phương án xử lý từng trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Riêng 8 trường hợp vi phạm hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Sở và các cơ quan liên quan có phương án xử lý ngay trong tháng 12/2017 này.
Trước việc hiện trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm còn 149 ki ốt cho thuê, mượn trái thẩm quyền trước đây trên địa bàn phường Mỹ Đình, nằm trong diện GPMB đường Vành đai 3 chưa xử lý được, đang chờ UBND TP cho ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu lãnh đạo quận này phải báo cáo rõ về tiến độ xử lý vi phạm, không đẩy trách nhiệm lên UBND TP.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã khẳng định, sẽ theo đến cùng vấn đề, HĐND thành phố sẽ tái chất vấn việc thực hiện các kết luận của chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn tại các kỳ họp thứ hai, thứ ba, thứ tư của HĐND thành phố; việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát của thường trực, các ban HĐND thành phố năm 2016, các kết luận phiên giải trình năm 2017 và các kiến nghị của cử tri.