Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Đắc Thủy trao đổi về bảo vệ cổ vật ở di tích sau vụ mất cắp sắc phong. Clip: Nguyên Khánh |
Sau khi nhận được thông tin công ty Thượng Hải Dương Minh rao bán một số sắc phong Việt Nam trong đó có sắc phong của Phú Thọ, Sở VHTTDL Phú Thọ báo cáo ngay UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ nhằm thống nhất xác minh thông tin.
“Chúng tôi đề nghị xác minh thông tin xem đó là sắc phong thật hay giả. Trường hợp sắc phong thật, chúng tôi đề xuất Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải (Trung Quốc) can thiệp để ngăn chặn tình trạng bán đấu giá tài sản của Việt Nam trên mạng. Công an địa phương báo cáo Bộ Công an để thống nhất phương án hợp tác quốc tế trong việc xử lý hiện vật bị đánh cắp”, ông Nguyễn Đắc Thủy nói.
Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy. |
Đối với sắc phong đền Quốc tế bị rao bán nếu là hiện vật thật, đây chính là hiện vật bị đánh cắp, tài sản đem đấu giá là tài sản ăn cắp", ông Nguyễn Đắc Thủy.
Đối với các hiện vật, cổ vật khác được bán đấu giá có hành trình khác nhau, tuy nhiên đối với số đạo sắc phong được cho là có nguồn gốc Việt Nam đang được rao bán trong phiên đấu giá 22/4, lãnh đạo Sở VHTTDL Phú Thọ nhấn mạnh “đây là hiện vật Phú Thọ bị mất cắp ngày 21/5/2021”.
Ngay sau khi xảy ra vụ mất cắp ở xã Dị Nậu, Phú Thọ có văn bản khuyến cáo địa phương có sắc phong, di vật bảo quản nghiêm ngặt để tránh kẻ gian lợi dụng sơ hở của BQL di tích. “Mỗi di tích có hiện vật thờ cúng khác nhau, tùy từng di tích mà chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm và có phương án riêng”.
“Hiện vật tại di tích đền Quốc tế bị kẻ gian cậy phá két sắt, lấy toàn bộ sắc phong của di tích. Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã lập hồ sơ điều tra, xác minh tìm ra kẻ lấy cắp hiện vật. Thế nhưng đến nay cơ quan điều tra chưa tìm được dấu tích.
Đối với sắc phong đền Quốc tế bị rao bán nếu là hiện vật thật, đây chính là hiện vật bị đánh cắp, tài sản đem đấu giá là tài sản ăn cắp”, ông Nguyễn Đắc Thủy cho hay.
Đạo sắc phong nghi là tài sản bị đánh cắp tại di tích đền Quốc tế (Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ) được rao bán trên trang web Trung Quốc. |
Về phương án hồi hương các đạo sắc phong bị rao bán, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ nêu quan điểm chọn con đường ngoại giao văn hóa, hợp tác quốc tế nhịp nhàng để xác định nguồn gốc, đưa hiện vật bị đánh cắp trả lại cho cộng đồng sở hữu.
“Sắc phong đối với di tích được xem như giấy chứng nhận của triều đình phong kiến để khẳng định giá trị từng di tích, vì thế chúng ta ứng xử theo hình thức khác với đấu giá cổ vật, tranh ảnh...”, lãnh đạo Sở VHTTDL Phú Thọ nêu quan điểm.
Ngày 12/4, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) PGS.TS Lê Thị Thu Hiền ký công văn số 309/DSVH-DT ngày 12/4 gửi các sở quản lý văn hóa các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương.
Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các địa phương thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL.