Giám đốc Sở Tài chính hay Chủ tịch Hà Nội phát biểu sai về cơ cấu giá nước?

Người dân Hà Nội đôi lúc chật vật mới có được nước sạch để dùng hằng ngày Ảnh: T.H
Người dân Hà Nội đôi lúc chật vật mới có được nước sạch để dùng hằng ngày Ảnh: T.H
TP - Tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị Giám đốc Sở Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm khi khiến dư luận hiểu nhầm người dân phải chịu lãi vay của doanh nghiệp hơn 2.000 đồng/m3 giá nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tính lãi vay vào giá là chuyện hoàn toàn bình thường.

Ông Nguyễn Đức Chung nói: “Một phát biểu rất sai lầm, cuối cùng để dư luận hiểu lầm đó là tiền người dân phải chịu trong giá nước là 2.003 đồng. Cơ cấu giá nước hiện nay chỉ có 4 nội dung. Một là liên quan đến giá của 1 khối nước sản xuất; hai là giá liên quan đến vận chuyển khối nước; ba là giá của quản trị, quản lý; thứ tư là lãi suất 5% và cho phép liên quan đến thất thoát 25%”.
Ông Chung khẳng định, giá nước từ năm 2013 đến nay không thay đổi. Thành phố có thỏa thuận cho nhà máy nước mặt sông Đuống bán nước sạch với giá 10.246 đồng là để phục vụ họ lập dự án.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, giá nước bán buôn của Công ty CP Nước mặt sông Đuống bao gồm 3 cấu phần: chi phí sản xuất, chi phí quản lý và chi phí bán hàng. Chi phí sản xuất chiếm hơn 50% giá thành, khoảng 6.400 đồng/m3 nước (chi phí vật tư trực tiếp: vôi, phèn, clo, điện năng xử lý…). Chi phí nhân công trực tiếp hơn 300 đồng/m3. Chi phí sản xuất chung có chi phí khấu hao tài sản cố định được tính khoảng 2.100 đồng; chi phí xử lý bùn thải là hơn 1.000 đồng. Phần chi phí quản lý, trong đó chi phí lãi vay bình quân chiếm tới 90%, được tính ở mức 2.003,85 đồng/m3. 

 Cùng các loại chi phí khác, toàn bộ giá thành nước bán buôn của nhà máy nước mặt sông Đuống là 9.758 đồng/m3. Đơn vị tính lợi nhuận 5% ra giá bán 10.246 đồng/m3. 

Nên kiểm toán giá nước

 Ngày 6/7/2017, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản 3310/UBND-KT chấp thuận giá nước sạch tạm thời của nhà máy nước mặt sông Đuống làm cơ sở ký kết hợp đồng thỏa thuận dịch vụ cấp nước với mức giá nêu trên. 

 Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một chuyên gia kinh tế cho biết, theo pháp luật về định giá, hạch toán, kế toán, Nghị định 117/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Thông tư 75 năm 2012 của liên Bộ Tài chính - Xây dựng - NN&PTNT, lãi vay là một khoản chi phí tài chính được tính vào giá thành và giá sản phẩm. Do đó, Hà Nội tính lãi vay vào chi phí giá là chuyện bình thường.

 Đại diện Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam cũng nói rằng, tính phần lãi vay vào yếu tố cấu thành giá là việc hoàn toàn bình thường, bởi theo nguyên tắc lập dự án, trong báo cáo nghiên cứu khả thi hay luận chứng nghiên cứu kỹ thuật bao giờ cũng có phần tài chính. Phần này sẽ bóc tách chi phí đầu tư bao nhiêu, bao gồm chi phí vận hành, hóa chất, điện năng, cả lãi vay… ra một mức giá khả thi. Có tính được giá nước tạm tính thì dự án mới khả thi và phê duyệt được. Ví von đơn giản là với người bán hàng, phải có giá niêm yết thì họ mới bán được hàng.

 Đại diện Viện nghiên cứu Cấp thoát nước Việt Nam đề nghị, để có thông tin chính xác nhất, cần có đơn vị kiểm toán độc lập vào kiểm toán giá nước, sau đó thông tin cho người dân được biết. Việc minh bạch thông tin không chỉ giúp người dân hiểu về giá nước hiện tại mà còn thể hiện cơ chế đầu tư của chủ đầu tư dự án.

Ví dụ, công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ngày đêm, giai đoạn 2 sẽ nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm nghĩa là có những hạng mục đầu tư từ bây giờ nhưng chưa sử dụng đến nhưng vẫn đưa vào giá thành, khiến giá nước tăng cao. “Nếu kiểm toán vào làm việc, có thể bóc tách ra việc phân đợt xây dựng của chủ đầu tư, có thể giảm giá thành nước sạch”, vị đại diện nói.

 Ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, ủng hộ việc Hà Nội thuê tư vấn độc lập để tính giá nước. Quá trình tính giá nước cần có đơn vị độc lập kiểm tra, dùng hóa chất bao nhiêu, dùng điện bao nhiêu, nhân công bao nhiêu.

Theo ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, chi phí cho nước sạch hiện thấp nhất trong các loại chi phí hằng ngày, nhưng nước ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của người dân nên rất cần sự minh bạch, tính đúng, tính đủ.

MỚI - NÓNG