Khai mạc kỳ họp HĐND TP Hà Nội:

Chủ tịch Hà Nội nói về chế phẩm làm sạch hồ, giá nước sạch

TP - Chiều 3/12, phát biểu tại thảo luận tổ trong kỳ họp HĐND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải trình nhiều vấn đề thuộc trách nhiệm của UBND thành phố như xử lý ô nhiễm ao, hồ, làm sạch các dòng sông, giá nước sạch trên địa bàn thành phố. 

Ô nhiễm ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch

Ngày 3/12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV tổ chức Kỳ họp thứ 11. Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Hà Nội đứng trước thách thức là ô nhiễm môi trường, không khí, nhất là đang rất sốt ruột về bụi.

“Cứ mở trang mạng ra rất sốt ruột với ô nhiễm bụi mịn”, ông Lưu nhấn mạnh. Ông Uông Chu Lưu lưu ý, Hà Nội là thành phố du lịch nhưng môi trường không được trong sạch nên rất hạn chế khách du lịch trong nước và quốc tế, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân.

Thành phố đang có những giải pháp, đề án để làm sạch các dòng sông, ao, hồ, nhưng bụi bẩn ở đường phố do các công trình xây dựng, phương tiện giao thông cũ nát, bà con dùng than tổ ong nhiều… đã tác động đến môi trường không khí. Đây là những vấn đề rất cụ thể, thành phố cần có giải pháp. “Ô nhiễm không khí, bụi bẩn như vậy sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn hạn chế lượng du khách đến với Hà Nội”, ông Lưu nhận xét.

Chủ tịch Hà Nội nói về chế phẩm làm sạch hồ, giá nước sạch ảnh 1 Người dân Hà Nội đang phải sống trong ô nhiễm không khí. Ảnh:PV

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 3/12, về vấn đề xử lý ô nhiễm sông, hồ ở Hà Nội, ông Chung cho biết, hiện đang kêu gọi rất nhiều đơn vị tham gia, trong đó có Cty môi trường Nhật Việt (JVE) thử nghiệm ở sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. “Vừa qua tôi có đề nghị họ xử lý ở một hồ tồn đọng, tới đây họ sẽ làm. Tôi đề nghị quá trình đó phải mời hội đồng khoa học, mời các chuyên gia, có đánh giá nghiêm túc”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thông tin, hiện nay, đang có các nhóm nhà khoa học khác, cả trong nước và quốc tế cùng tham gia thí điểm trên môi trường thực và phòng thí nghiệm để tìm ra biện pháp tốt nhất.

Ông Chung cũng nói thêm, theo báo cáo, hiện đã có 88/122 hồ được làm sạch, người dân thấy hết mùi. Ông Chung đánh giá, sản phẩm Redoxy 3C là sản phẩm của các nhà khoa học Đức, của tập đoàn đã có 43 năm kinh nghiệm, hiện cung cấp sản phẩm cho 55 nước. Theo ông Chung, bản thân ông đã đến tận thành phố ở Đức, thăm trung tâm nghiên cứu của tập đoàn này.

“Sản phẩm này do anh Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng - PV) đi triển lãm gặp và đưa về. Chúng ta đã cho chuyên gia sang tận nơi. Họ có báo cáo, trung tâm nghiên cứu của họ có 2 nghìn người. Họ đã sang tận đây lấy mẫu nước của chúng ta phân tích và đưa ra giải pháp. Chúng ta làm thấy hiệu quả. Sắp tới sẽ công bố kết luận thanh tra nhưng có lẽ từ trước tới nay chẳng có công nghệ nào xử lý mà chưa đến 6 nghìn đồng/mét khối và việc duy trì nó chỉ hơn 2 nghìn đồng/mét khối”, ông Chung nói. Theo ông Chung, hiện thành phố đang chi khoảng 84 nghìn đồng để xử lý một mét khối nước rỉ rác.

Tới đây, khi nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoạt động, cũng hết khoảng hơn 30 nghìn đồng/mét khối. “Chúng ta sẽ cố gắng hợp tác với các nhà khoa học ở các nước để đưa ra các giải pháp tốt nhất để xử lý được mùi, xử lý được ô nhiễm nhưng phải bền vững chứ không phải mỗi năm một lần”, ông Chung nói thêm.

Không tăng giá nước sạch

Liên quan việc di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô, ông Chung cho rằng, đây là một khó khăn. Cụ thể, ông Chung cho biết, đến giờ phút này thành phố chưa nhận được một cơ sở bàn giao nào của các bộ ngành.

“Chúng ta cứ nói nhiều đến việc chuyển đi để làm công viên, công cộng. Điều đó về mặt lý thuyết là đúng, nhưng các cơ sở chuyển đi thì chỉ nhìn vào mỗi giá trị của sử dụng đất thôi. Nhà máy chuyển đi cũng chỉ nhìn vào mỗi đây thôi. Nếu không thì chẳng có nguồn lực nào cả. Ngân sách thì không có. Đây là bài toán rất hóc búa và khó khăn”, ông Chung nói.

Liên quan đến vấn đề nước sạch, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã công khai xã hội hóa, kêu gọi các đơn vị tư nhân vào đầu tư hệ thống cung cấp nước. Đến nay, đã có 23 nhà đầu tư với 38 dự án. Ông Chung cũng thông tin, thành phố đã đề xuất Thủ tướng điều chỉnh lại quy hoạch nước và Thủ tướng đã đồng ý phê duyệt năm 2013. Theo đó, xây dựng hệ thống theo mạch vòng để đảm bảo an ninh nước sạch. “Còn vấn đề giá nước, thành phố đang thực hiện giá nước một cách nghiêm túc theo quyết định 38, 39 của UBND thành phố, từ 2013 đến nay ổn định, không có tăng giá gì cả”, ông Chung nói.

7/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đánh giá, kinh tế - xã hội năm 2019 đạt được kết quả toàn diện. Đáng chú ý, 7/22 chỉ tiêu KT-XH dự kiến vượt kế hoạch, gồm chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP/người); vốn đầu tư xã hội; xuất khẩu; bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị và tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn…

Hà Nội vẫn sử dụng dịch vụ công của Nhật Cường cung cấp
Bên lề Kỳ họp, sáng 3/12, trao đổi với phóng viên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, những dịch vụ công của thành phố do Cty Nhật Cường cung cấp vẫn hoạt động bình thường. “Thực tế, các phần mềm cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, 4, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký qua mạng vẫn hoạt động bình thường. Thành phố phải có các bộ phận quản trị việc đấy”, ông Hải nói. Liên quan đến câu hỏi, có rà soát, thanh tra lại việc đấu thầu cung cấp dịch vụ hay không, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Nguyên tắc là cơ quan điều tra đã làm rồi thì phải để cho cơ quan điều tra làm và hợp tác với họ", ông Hải nói. Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến một số cán bộ của Sở KH&ĐT Hà Nội vừa bị bắt tạm giam, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị “chờ cơ quan điều tra kết luận”.


MỚI - NÓNG