Giám đốc Sở Giáo dục Cần Thơ nói gì việc 'Hội phụ huynh thành Hội phụ thu’?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tại phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Cần Thơ khoá X, đại biểu Phạm Quốc Thịnh chất vấn Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố liên quan đến nhiều khoản tiền đóng góp không tên, vô lý thông qua Hội phụ huynh khiến cử tri bức xúc.

Chiều 8/12, chất vấn tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Cần Thơ khoá X, đại biểu Phạm Quốc Thịnh nêu: Hội phụ huynh học sinh (Ban đại diện cha mẹ học sinh) được bầu chọn, thành lập và hoạt động theo Thông 55/2011 của Bộ Giáo dục và đào tạo về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo đó, mục đích và tôn chỉ của hội là để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thực hiện các hoạt động giáo dục, giúp đỡ các học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hay nói đơn giản là sợi dây liên kết giữa nhà trường và gia đình để hỗ trợ các em học sinh học tập được tốt hơn.

Tuy nhiên, thông qua phản ánh của nhiều phụ huynh và cử tri cho rằng, việc bầu ra hội phụ huynh hiện nay chủ yếu để tập trung vào các hoạt động tài chính của lớp học (hỗ trợ nhà trường huy động các khoản đóng góp, tài trợ và thực hiện việc quản lý các khoản đóng góp, tài trợ đó).

Giám đốc Sở Giáo dục Cần Thơ nói gì việc 'Hội phụ huynh thành Hội phụ thu’? ảnh 1

Đại biểu Phạm Quốc Thịnh chất vấn lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo Cần Thơ.

Theo ông Thịnh, không chỉ vậy, hiện nay rất ít phụ huynh chủ động tự ứng cử để tham gia Hội phụ huynh, nhiều trường hợp miễn cưỡng nhận nhiệm vụ. Từ đó kéo theo sự sai lệch, kém hiệu quả trong hoạt động và đang làm mất đi ý nghĩa cao cả của Hội.

“Nhiều cử tri gặp gỡ, trao đổi và thể hiện sự bức xúc về việc có con em theo học tại các trường trên địa bàn đang tồn tại việc lạm thu của nhà trường thông qua Hội phụ huynh với nhiều khoản tiền không tên, vô lý. Cụ thể, vào cuộc họp phụ huynh đầu năm học, có nhiều trường hợp phụ huynh phải đóng tiền quỹ lớp trên dưới 3 triệu đồng/người. Theo giải thích, các khoản tiền này phục vụ cho việc mua tivi, máy lạnh, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất cho trường nhưng không có kế hoạch cụ thể".

Đại biểu Phạm Quốc Thịnh cũng đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ suy nghĩ về thực trạng trên.

“Từ khi nào Hội phụ huynh trở thành Hội phụ thu? Giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng lạm thu của các trường hiện nay là gì?", đại biểu Phạm Quốc Thịnh chất vấn.

Giám đốc Sở Giáo dục Cần Thơ nói gì việc 'Hội phụ huynh thành Hội phụ thu’? ảnh 2

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP. Cần Thơ. Ảnh: Nhật Huy.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP. Cần Thơ cho hay, ngay từ đầu năm học, Sở có lưu ý các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục các quận, huyện về các khoản thu đầu năm, để đảm bảo thu đúng theo quy định.

Theo ông Bình, đến thời điểm này, Sở chưa nhận được các thông tin phản ánh lạm thu tại các trường cấp 3. Đối với các cấp học còn lại, Sở có nhận được thông tin một trường dự định thu không đúng quy định và đã ngăn chặn kịp thời.

“Mong muốn của tôi là làm sao đẩy mạnh giải pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Góp phần vào công tác quản lý của nhà trường, cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, tranh thủ các nguồn lực xã hội hoá để đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, ông Bình nói.

Giám đốc Sở Giáo dục Cần Thơ nói gì việc 'Hội phụ huynh thành Hội phụ thu’? ảnh 3

Đối với phản ánh của Đại biểu Phạm Quốc Thịnh về việc có nhiều trường hợp phụ huynh phải đóng tiền quỹ lớp trên dưới 3 triệu đồng/người, ông Bình cho biết sẽ rà soát và xử lý nghiêm (nếu có) trên quan điểm không bao che.

“Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và sẽ rà soát lại, xác định rõ ở trường nào, lớp nào để phối hợp với địa phương có hướng xử lý”, ông Bình nói.

Ông Bình cho biết thêm, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục để không xảy ra tình trạng lạm thu; đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân kiến nghị, phản ánh.

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ: Thiếu thuốc, vật tư y tế do tâm lý sợ thanh tra

Trước đó, trình bày tham luận tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP. Cần Thơ khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ nêu 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Giám đốc Sở Giáo dục Cần Thơ nói gì việc 'Hội phụ huynh thành Hội phụ thu’? ảnh 4

Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ.

Nguyên nhân thứ nhất, lượng bệnh nhân từ các nơi đổ về Cần Thơ khám chữa bệnh tăng đột biến kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” làm ảnh hưởng đến kế hoạch dự trù, mua sắm thuốc của đơn vị.

Nguyên nhân thứ 2: tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm; hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện.

Theo ông Cường, các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với tình trạng thực tế.

Nguyên nhân thứ 3: một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp. Một số bệnh viện còn công nợ với nhà cung cấp do bảo hiểm chưa thanh toán và bệnh viện không có nguồn thanh toán.

Nguyên nhân thứ 4: việc chậm thầu còn do một số giấy đăng ký thuốc hết hạn, việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia chậm có kết quả và kết quả không đầy đủ theo danh mục, khiến bệnh viện phải sử dụng hết lượng dự trữ và tự mua, dẫn tới không chủ động được số lượng và thời gian mua.

Nguyên nhân thứ 5: việc giải quyết các thủ tục mua sắm còn chậm.

Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, để khắc phục tình trạng trên, Sở đã tham mưu cho UBND TP thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương năm 2022 (129 mặt hàng thuốc) và đã có kết quả lựa nhà thầu. Sau đó, các loại thuốc không thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung thì Sở đã tham mưu cho các đơn vị cơ sở y tế đấu thầu tại các bệnh viện.

"Để đáp ứng kịp thời việc cung cấp thuốc, UBND TP đã phê duyệt mua sắm trực tiếp tại 3 cơ sở điều trị lớn là bệnh viện Đa khoa thành phố, bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Huyết học và truyền máu trong thời gian chờ kết quả đấu thầu rộng rãi năm 2002. Năm 2022, Sở Y tế cũng tổ chức đấu thầu tập trung hoá chất, vật tư thông thường và đã có kết quả lựa chọn nhà thầu“, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ thông tin.

Ông Cường cho biết thêm, trong năm 2023, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND thành phố đấu thầu mua sắm thuốc tập trung tại bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ. Không giới hạn 129 mặt hàng mà mở rộng danh mục cho tất các các cơ sở y tế trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Cần Thơ tham mưu cho UBND TP phân cấp, phân quyền cho các cơ sở y tế được đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Khi phân cấp, phân quyền cho các đơn vị được mua sắm trang thiết bị y tế thì các đơn vị sẽ chủ động hơn về mặt thời gian.

Thiếu khoảng 5 triệu mét khối cát cho 12 công trình trọng điểm

Tại phiên chất vấn chiều 8/12, nhiều đại biểu đặt vấn đề về việc quy hoạch phát triển gắn với phát triển đô thị; xây dựng nông thôn mới hiện nay còn chậm, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư,… trong đó đáng chú ý nhất là tình trạng thiếu cát phục vụ cho các dự án, công trình trọng điểm.

Đại biểu Phạm Quốc Thịnh cho biết, hiện nay, địa phương đang thực hiện nhiều dự án trọng điểm, trong đó có 2 dự án của Trung ương về giao thông là cao tốc Bắc Nam, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Theo đại biểu Phạm Quốc Thịnh, với nhiều công trình trọng điểm, có thể thấy rằng nhu cầu sử dụng cát san lấp, xây dựng là rất cao. Trong khi đó, không chỉ riêng Cần Thơ mà chính quyền các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang phải chạy đua với thời gian, ráo riết chuẩn bị nguồn cát san lấp trước tình hình hình thiếu hụt nguồn cát.

“Chúng ta đã có những kế hoạch, giải pháp nào để đối mặt với khó khăn trên?. Có ý kiến cho rằng, ngoài cát được khai thác ở sông, chúng ta cũng có thể sử dụng từ các nguồn khai thác cát biển. Vậy đây có được xem là giải pháp hữu hiệu hay không?”, ông Thịnh chất vấn Giám đốc Sở TN&MT.

Giám đốc Sở Giáo dục Cần Thơ nói gì việc 'Hội phụ huynh thành Hội phụ thu’? ảnh 5

Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ.

Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, theo thống kê của Sở GTVT TP thì địa phương hiện có 12 công trình trọng điểm cần tổng cộng khoảng 5 triệu mét khối cát để san lấp. Tuy nhiên, chất lượng cát tại các mỏ cát ở địa phương không đảm bảo chất lượng để san lấp cho các dự án này.

Do chất lượng cát Cần Thơ không đảm bảo nên Sở có tham mưu cho UBND TP Cần Thơ có văn bản gửi cho lãnh đạo tỉnh An Giang và Đồng Tháp nhờ hỗ trợ nguồn cát cho Cần Thơ thực hiện các công trình trọng điểm do chất lượng cát của 2 tỉnh này đạt chất lượng để san lấp.

"Ngày 23/11, Ban Chỉ đạo quốc gia các công trình trọng điểm họp tại Cần Thơ. Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh An Giang hứa hỗ trợ cát cho Cần Thơ và Hậu Giang để thực hiện các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, UBND tỉnh An Giang phải xin ý kiến của Bộ TN&MT”, ông Thảo nói.

Theo Giám đốc Sở TN&MT, dự kiến, ngày 14 và 15/12, đoàn công tác của Bộ TN&MT phối hợp với Bộ GTVT sẽ làm việc tại Vĩnh Long hoặc Sóc Trăng và có mời các tỉnh có liên quan tham dự. Sở TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu để UBND thành phố có đề nghị từng công trình, dự án cụ thể để mua cát tại mỏ cát của An Giang.

Về vấn đề cát biển để giải quyết các công trình trọng điểm, được biết, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ GTVT đi khảo sát đánh giá.

"Hiện làm thí điểm ở một vài nơi. Trước mắt, chúng ta đã có nguồn cát ở An Giang hỗ trợ để thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Cần Thơ”, ông Thảo thông tin thêm.

Sáng mai (9/12), kỳ họp họp thứ 9, HĐND TP. Cần Thơ khoá X, sẽ tiếp tục diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

MỚI - NÓNG