Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1:

Giám đốc chi sai 480 tỷ đồng

Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phải làm rõ những khúc mắc về tài chính và có báo cáo trước ngày 15/10
Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phải làm rõ những khúc mắc về tài chính và có báo cáo trước ngày 15/10
TP - Tại báo cáo gửi cơ quan chức năng và các nhà đầu tư, Ban kiểm soát - Cty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (Liên danh thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1) cho biết đã phát hiện Giám đốc chi 480 tỷ đồng không đúng nguyên tắc và mục đích sử dụng vốn.

Trước nguy cơ dẫn đến việc nguồn vốn bị sử dụng sai mục đích, làm ảnh hưởng đến dự án, một số nhà đầu tư đã gửi đơn đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc làm rõ.

Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, giai đoạn 1 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hình thức hợp đồng BOT với tổng mức vốn đầu tư đề nghị chỉ định là hơn 14.678 tỷ đồng; điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TPHCM - Trung Lương), Km49 + 620, điểm cuối tại nút giao với QL 30, km 100+750; thời gian thi công từ năm 2015 đến năm 2018.

Sau khi trúng chỉ định thầu, liên danh gồm 6 Cty đã cùng nhau thành lập Cty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để thực hiện dự án. Các nhà đầu tư thống nhất chấp thuận Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc đứng đầu liên danh và đề cử ông Phan Anh Dũng làm Giám đốc Cty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đại diện trước pháp luật.

Dù dự án khởi công từ ngày 7/2/2015 nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ” vì xảy ra một số vấn đề có biểu hiện không đúng quy định khiến dự án không thể triển khai đúng tiến độ. 

Thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Ban Kiểm soát, Cty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã có báo cáo số 111/2015/BC-BKS gửi Bộ GTVT, các nhà đầu tư về một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng vốn của doanh nghiệp. 

Báo cáo nêu rõ một số nguyên nhân việc triển khai dự án bị đình trệ: giải phóng mặt bằng trên hiện trường không thực hiện được; doanh nghiệp dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; dự án không thu xếp được vốn tín dụng cho triển khai thực hiện dự án. 

Đặc biệt, Ban điều hành đã tự ý chỉ định và ký kết nhiều hợp đồng xây lắp có giá trị lớn để tự hợp thức hóa và giải ngân tạm ứng với giá trị hàng trăm tỷ đồng trong khi chưa được Bộ GTVT và các Ban chuyên môn của Bộ GTVT phê duyệt...

Cũng theo báo cáo của Ban Kiểm soát Cty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận: “Trong báo cáo Bộ GTVT ngày 25/8/2015, Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận báo cáo mới chỉ chi tiền tạm ứng cho đền bù, giải phóng mặt bằng khoảng 98 tỷ đồng. 

Tuy nhiên được biết, chỉ tính riêng hợp đồng xây lắp số 09/HĐXD-BOT/TL-MT ký ngày 22/6/2015, Giám đốc đã chi tạm ứng hai lần với giá trị là 480 tỷ đồng khi chưa thông qua cổ đông và HĐQT Cty chưa có nghị quyết về việc sử dụng vốn. 

Việc giải ngân như trên là vi phạm nguyên tắc và mục đích quản lý sử dụng vốn và dẫn đến nguy cơ sử dụng vốn sai mục đích, nguy cơ thất thoát vốn, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án”.

Sau khi nhận được thông báo từ Ban kiểm soát, các nhà đầu tư trong liên danh đã yêu cầu HĐQT, Giám đốc cùng Kế toán trưởng Cty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận giải thích, song chưa có hồi âm. Lo ngại thất thoát vốn, gây ảnh hưởng tới dự án, một số nhà đầu tư đã gửi đơn đề nghị Bộ GTVT cũng như cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ.           

Chiều 28/9, Thứ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp với Cty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận để kiểm điểm tiến độ triển khai dự án. Tại cuộc họp, ông Phan Anh Dũng làm Giám đốc Cty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thừa nhận đã chi tạm ứng cho một số đơn vị mà chưa thông qua HĐQT và chưa được Bộ GTVT phê duyệt các hợp đồng đó.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã cảnh cáo HĐQT, Ban Giám đốc Cty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cùng một số đơn vị liên quan vì trì trệ thực hiện dự án. Ông Thể yêu cầu đến ngày 15/10, HĐQT Cty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phải ký quy chế hoạt động và làm rõ những khúc mắc về tài chính, nếu không giải quyết dứt điểm Bộ sẽ giao đơn vị khác thực hiện dự án.

MỚI - NÓNG