Giám đốc bệnh viện bị tố 'đạo' đề tài khoa học

Giám đốc bệnh viện bị tố 'đạo' đề tài khoa học
TP - Trong khi cơ quan chức năng đang vào cuộc sau khi Tiền Phong có loạt bài “Khi kỹ thuật viên hội chẩn thay bác sĩ” và “Bệnh nhân “ma” ở Bệnh viện Bưu điện” phản ánh những khuất tất ở Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện TPHCM, mới đây, nghi án giám đốc bệnh viện này bị tố “đạo” đề tài nghiên cứu khoa học được xới lên.

> Làm rõ vụ 'kỹ thuật viên thay bác sĩ chẩn bệnh'
> Khi kỹ thuật viên chẩn bệnh thay bác sĩ

Đề tài của bác sĩ Trần Thành Trọng (trái) và chủ trì đề tài trong báo cáo khoa học ghi tên bác sĩ Trương Anh Kiệt (phải). ảnh: L.N
Đề tài của bác sĩ Trần Thành Trọng (trái) và chủ trì đề tài trong báo cáo khoa học ghi tên bác sĩ Trương Anh Kiệt (phải). ảnh: L.N.

Luận án chuyên khoa cấp 2 của một bác sĩ công tác tại Khoa Nội - Lão khoa của Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện TPHCM bỗng dưng được báo cáo tại Hội nghị khoa học kỹ thuật, nhưng đứng tên chủ đề tài lại là giám đốc bệnh viện này.

Ngày 4/10/2012, bác sĩ Trần Thành Trọng, chuyên ngành Nội - Lão khoa của Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện TPHCM, bảo vệ thành công đề tài luận án tốt nghiệp chuyên khoa cấp 2: “Rối loạn lipid máu ở cán bộ trung cao ngành bưu điện phía Nam: Tỷ lệ hiện mắc và kiến thức thái độ, hành vi về phòng ngừa”. Đề tài có sự hướng dẫn của TS Hồ Thượng Dũng.

Trong phần “Lời cam đoan” khi thực hiện đề tài, bác sĩ Trọng ghi: “Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác”.

Vậy nhưng sau đó, tại Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2012 của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện TPHCM, đề tài “Rối loạn lipid máu ở cán bộ trung cao ngành bưu điện phía Nam: Tỷ lệ hiện mắc và kiến thức thái độ, hành vi về phòng ngừa” lại được báo cáo, nhưng đứng tên tác giả chủ trì là BSCKI Trương Anh Kiệt và BSCKII Trần Thành Trọng. Bức xúc với sự nhập nhèm này, một số bác sĩ đã làm đơn phản ánh đến Trường ĐH Y Dược TPHCM và lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Ngày 18/3/2013, trong công văn trả lời người khiếu nại, TS Hoàng Tiến Mỹ, Trưởng phòng Sau đại học của Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, bác sĩ Trần Thành Trọng là học viên của khóa học 2010-2012 đã hoàn thành chương trình đào tạo và bảo vệ luận án tốt nghiệp theo đúng quy chế đào tạo với đề tài trên.

Tuy nhiên, cũng trong công văn này, lãnh đạo Phòng Sau đại học cho biết “do sơ suất trong bài báo cáo và phần trình bày trước Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2012, bác sĩ Trọng đã ghi chủ trì đề tài nghiên cứu là bác sĩ Trương Anh Kiệt và người thực hiện là bác sĩ Trần Thành Trọng…”.

Trong khi đó, trả lời người tố cáo, ông Vy Văn Phương, Trưởng ban Thanh tra của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cho rằng “Ông Trần Thành Trọng giải thích do chưa nhận thức đầy đủ và hiểu sai người đứng đầu cơ quan là người chủ trì nên đã để tên giám đốc bệnh viện Trương Anh Kiệt ở thành phần chủ trì đề tài”. Đại diện Ban Thanh tra khẳng định: “Không có cơ sở để kết luận ông Kiệt đứng tên chủ trì đề tài để lấy thành tích cá nhân”.

Đứng tên chủ trì để… cám ơn

Trong cuộc làm việc với Tiền Phong, ông Trương Anh Kiệt nói: “Vấn đề này được thanh kiểm tra rồi, không có gì hết. Thực sự, anh Trọng muốn cám ơn tôi vì tôi là giám đốc, hướng dẫn đề tài cho ổng nên ông mới đưa tên vào”.

Đại diện Phòng Tổ chức của Bệnh viện Đa khoa Bưu điện cho rằng: “Đó không phải là báo cáo khoa học mà chỉ là một báo cáo tập huấn của cơ sở”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đây là một báo cáo trong Hội nghị khoa học kỹ thuật vào tháng 12/2012, các đề tài được tập hợp in thành tập bài bản.

Theo ông Kiệt, khi có người kiện việc này ra ngoài, lúc đó, ông Trọng có xin lỗi ông Kiệt vì đã gây ra phiền phức cho ông Kiệt. Ông Kiệt là bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt, trong khi đề tài của bác sĩ Trọng là nội khoa về rối loạn lipid máu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.