Giảm 17 tổng cục, 7 sở, đổi mới cơ cấu, tổ chức nhiệm kỳ mới ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cấp Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tương đương, còn ở địa phương đã giảm 7 sở; số lượng cấp phó đã giảm nhưng chưa được thống kê cụ thể, nên chưa có cơ sở để đánh giá.

Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, trong đó có lĩnh vực nội vụ.

Nội dung về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội liên quan đến giám sát chuyên đề, chất vấn sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 10 tới đây.

Giảm 17 tổng cục, 7 sở, đổi mới cơ cấu, tổ chức nhiệm kỳ mới ra sao? ảnh 1

Bộ Nội vụ được giao thực hiện đề án về đổi mới và cải cách cơ cấu, tổ chức của Chính phủ.

Liên quan đến lĩnh vực này, đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, một số nội dung Chính phủ đã hoàn thành nhưng chậm tiến độ so với yêu cầu hoặc chưa hoàn thành, cần được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp và tiến độ hoàn thành.

Trong đó, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy, giảm số lượng các tổ chức hành chính ở Trung ương và địa phương được tích cực triển khai.

Tại cấp Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, giảm cơ bản phòng trong vụ.

Còn ở cấp địa phương đã giảm được 7 sở, 2.159 phòng thuộc sở và phòng thuộc UBND cấp huyện; đối với các tổ chức phối hợp liên ngành, đã giảm được 17 tổ chức so với thời điểm 31/12/2021.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, các số liệu thể hiện còn chưa rõ ràng, đồng bộ và thống nhất về thời điểm, dẫn đến khó đánh giá một cách tổng quát về hiệu quả.

Đối với cấp Trung ương, chưa thống kê, chưa thể hiện được sự đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021).

Còn ở cấp địa phương, cần cụ thể hơn yêu cầu liên quan đến việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Số lượng cấp phó đã giảm nhưng chưa được thống kê số liệu cụ thể, nên chưa có cơ sở để đánh giá về kết quả, hiệu quả; yêu cầu giảm số lượng người giữ “hàm” lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị cũng chưa được Chính phủ đánh giá.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hai nghị quyết về phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính, sửa đổi, bổ sung các nghị quyết hiện hành cũng như Nghị quyết 35 về tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2021-2026.

Chính phủ và các bộ liên quan cần khẩn trương ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, đồng thời để triển khai sắp xếp hiệu quả giai đoạn mới. Theo ông Tùng, qua thẩm tra cho thấy, còn một số văn bản chưa ban hành, chưa kịp thời.

Về cải cách tổ chức bộ máy, nội dung này liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, còn một số văn bản ban hành chậm. Ví dụ, một số nhiệm vụ các bộ, ngành, cơ quan không cần thiết phải thực hiện, được giao tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận nhưng hướng dẫn những nội dung này còn chậm.

Nội dung này nằm trong đề án do Bộ Nội vụ đang chuẩn bị về đổi mới và cải cách cơ cấu, tổ chức của Chính phủ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI, vì vậy, ông Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm để thực hiện.

MỚI - NÓNG