Tham gia Cuộc thi vẽ tranh áp phích về chủ đề “An sinh xã hội và Nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo” hưởng ứng Ngày Lương thực thế giới 16/10, những hiểu biết của trẻ em thành phố về vấn đề lớn của xã hội như an toàn lương thực, gốc rễ của đói nghèo… đã khiến nhiều người lớn phải bất ngờ
Tác phẩm của Trần Văn An, học sinh lớp 11 Trường PTLC Vinschool trăn trở trước thực tế, nông nghiệp ngày nay có máy móc, công nghệ để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng nhưng thế giới hằng năm vẫn có khoảng hơn 20 ngàn người chết vì không có thức ăn…
Rất nhiều tác giả nhí trong Triển lãm đã thể hiện suy nghĩ sâu sắc khi nhìn ra những vấn đề mang tính gốc rễ của đói nghèo là “đói nghèo” về tri thức. Các em cũng đưa ra những giải pháp từ góc nhìn của mình, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc phổ cập giáo dục, nâng cao tri thức cho người nông dân. Bức tranh giản dị của em Hương Mai, 13 tuổi thể hiện mơ ước của người nông dân nghèo khi họ muốn được lao động để tạo ra của cải vật chất và cho con cái đi học. Sự đói nghèo khiến cho những đứa con không có cơ hội đến trường, cũng chính vì không được học hành nên những em nhỏ này không có kiến thức để có thể tìm được công việc tốt trong tương lai. Cái nghèo cứ như vòng xoáy.
Nguyễn Lê Thương Thương, học sinh lớp 10 thông qua tác phẩm “Vòng tròn an sinh xã hội” đề ra một giải pháp về sự phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với những doanh nghiệp xuất khẩu, kinh doanh. Trong đó nhấn mạnh sự chia sẻ công bằng, khuyến khích người nông dân tiếp tục trồng trọt, sản xuất, tạo nên sự phát triển cân bằng cho thế giới.
Còn với Nguyễn Phúc Minh, học sinh lớp 7, bức tranh mang tên “Chung tay làm – Cùng nhau hưởng” đã thay em đưa ra giải pháp chống lại đói nghèo hiệu quả nhất: Đôi tay bạn làm nên tất cả.
Bạn Minh Nhi lớp 7 lại đưa ra một giải pháp toàn diện bao gồm các hoạt động cụ thể giúp đỡ người nghèo như cung cấp những bữa ăn từ thiện, trao cơ hội để giúp họ bổ sung kiến thức đồng thời giới thiệu việc làm. Ngoài ra, em cũng không quên đề xuất phương thức tuyên truyền thông qua mạng xã hội để lan tỏa tới nhiều người bởi: “Tôi làm được, bạn cũng thế” đúng như tên bức áp phích của em..
Theo số liệu báo cáo năm 2010, hàng năm trên thế giới có khoảng 9 triệu người chết đói, đồng nghĩa với khoảng hơn 20 ngàn người chết vì không có thức ăn mỗi ngày. Mơ ước về một thế giới ấm no vẫn mãi là khát vọng chung của nhân loại và đã được thể hiện đầy cảm xúc qua bức tranh “Ngày no đủ” của em Vũ Hà Phan, 13 tuổi. Với em chỉ cần mỗi ngày trôi qua, trẻ em và tất cả mọi người trên thế giới đều có cái ăn, cái mặc.
“Tôi rất bất ngờ vì các con đã đưa ra những ý tưởng sâu sắc và người lớn như vậy. Tôi nghĩ đây là một hoạt động đầy tính nhân văn của Nhà trường nhằm giáo dục các con hiểu hơn về ý nghĩa của lương thực cũng như biết trân trọng sức lao động hơn.” Chị Đỗ Lan Anh, Phụ huynh học sinh Trường PTLC Vinschool chia sẻ.
Thầy Nguyễn Dương Hải Đăng, Tổ trưởng tổ Nghệ thuật Trường PTLC Vinschool cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ đây là chủ đề có thể làm khó học sinh vì các em đều lớn lên ở thành phố, trong khi chủ đề lại hướng tới nông nghiệp. Thật bất ngờ, các em đã tham gia rất hào hứng và đưa ra rất nhiều ý tưởng đặc sắc, hồn nhiên, thể hiện tình cảm của các em với những người xung quanh, tới vấn đề lương thực cùng mối quan tâm dành cho xã hội. Tại Vinschool, thông qua nghệ thuật cũng như các môn học, chúng tôi khuyến khích học sinh tích cực tham gia những hoạt động ngoại khóa ý nghĩa, gắn liền với cuộc sống thực tế. Đây cũng là cách hướng các em quan tâm tới những vấn đề nóng của xã hội.”
75 bức tranh được trưng bày trong Triển lãm về chủ đề “An sinh xã hội và Nông nghiệp: Phá vỡ vòng xoáy đói nghèo” do FAO phát động hướng tới Ngày Lương thực thế giới 16/10. Năm nay, Vinschool là trường duy nhất tại Việt Nam vinh dự được FAO chọn phối hợp phát động cuộc thi. 75 tác giả đều là học sinh Trường Trung học Vinschool, đã được trao chứng chỉ tham gia cuộc thi do Đại diện Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc trao tặng. Đây cũng chính là những tác phẩm đại diện thiếu nhi Việt Nam dự thi, hướng tới cuộc triển lãm toàn cầu tại Milano, Ý.