Giải quyết cơn sốt thiếu xăng dầu: Mới xử lý phần ngọn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng loạt câu hỏi nóng liên quan đứt gãy nguồn cung, doanh nghiệp đóng cửa, bất cập trong điều hành xăng dầu, trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong việc để xảy ra rối loạn nguồn cung là vấn đề được báo chí đặt ra với đại diện Bộ Công Thương tại họp báo thường kỳ ngày 12/10.

Trước đó, sáng 12/10, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với DN đầu mối cung ứng, phân phối xăng dầu.

Vẫn đảm bảo đủ nguồn cung?

Trả lời về công tác điều hành giá xăng dầu, bảo đảm nguồn cung, vấn đề bình ổn giá và số lượng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính tính toán, điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định để giá xăng dầu trong nước có diễn biến phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục khôi phục Quỹ Bình ổn giá để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Giải quyết cơn sốt thiếu xăng dầu: Mới xử lý phần ngọn ảnh 1

Xếp hàng mua xăng dầu là nỗi ám ảnh của người dân ở nhiều địa phương khi nguồn cung bị gián đoạn. Ảnh: Nguyễn Bằng

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, nguồn cung xăng dầu trên thị trường mặc dù có nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn được cung ứng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu năm 2022.

Nhiều vấn đề bỏ ngỏ

“Trong những giải pháp Bộ Công Thương đưa ra hiện nay còn thiếu giải pháp quan trọng nhất đó là xử lý thị trường ra sao khi doanh nghiệp tư nhân đồng loạt không nhập hàng nếu bị lỗ như vừa qua? Bộ Công Thương có uẩn khúc gì khi không làm rõ việc không chịu nhập khẩu từ đầu năm của nhiều doanh nghiệp đầu mối? Câu hỏi về việc có hay không nhiều doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối không đủ điều kiện về kho chứa, bến bãi, hệ thống cửa hàng, đại lý… nhưng vẫn được cấp phép?”, Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết.

Thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát chi phí trong cơ cấu tính giá.

“Hiện mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, đề nghị Bộ Tài chính rà soát, sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp”, ông Đông nói.

Một giải pháp khác được Bộ Công Thương đưa ra chính là kiến nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu.

Thiếu nguồn một phần do lỗi Bộ Tài chính làm chậm

Trước câu hỏi về việc “thị trường nhỏ nhưng có tới 33 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối và 500 thương nhân phân phối, Bộ Công Thương có quản lý được không?”, đại diện Bộ Công Thương nói rằng, ngoài 33 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện cả nước có 332 doanh nghiệp phân phối xăng dầu.

Theo quy định, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này đều ký kết hợp đồng và lấy hàng tương đối ổn định từ các nguồn hàng quen thuộc để cung ứng cho các đại lý bán lẻ.

Việc thiếu xăng dầu cục bộ thời gian vừa qua do giá, nguồn cung xăng dầu thế giới biến động bất thường, các doanh nghiệp đã bị thua lỗ lớn nên nhập khẩu, mua trong nước số lượng cầm chừng để hạn chế thua lỗ.

Không trả lời trực tiếp vào việc có hay không trách nhiệm của Bộ Công Thương trong điều hành để dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung, đại diện Bộ Công Thương cũng tiếp tục “đổ” do Bộ Tài chính chậm cho điều chỉnh chi phí.

“Các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng không được Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh tăng kịp thời trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Các chi phí này phải được thực hiện từ đầu tháng 7 nhưng đến giữa tháng 10 mới được điều chỉnh gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Để hạn chế thua lỗ, các doanh nghiệp đã phải thu hẹp hoạt động kinh doanh”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp làm chậm nguồn cung, 7 doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1-1,5 tháng cũng là yếu tố gây thiếu nguồn hàng được Bộ Công Thương nêu ra.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng không hề nhắc tới việc có chủ động giao, bằng văn bản cụ thể, cho các doanh nghiệp đầu mối khác để gánh thị trường thế nào khi 7 đơn vị bị rút giấy phép.

Minh bạch để giám sát

“Danh sách 332 thương nhân phân phối Bộ Công Thương vẫn đang theo dõi và quản lý, tuy nhiên, theo quy định hiện hành không có quy định về việc đăng tải danh sách các thương nhân này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp các đơn vị chức năng cần cung cấp thông tin, Bộ Công Thương sẵn sàng cung cấp danh sách cụ thể của các thương nhân phân phối theo quy định”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Để chứng minh ở các nước số lượng doanh nghiệp đầu mối cũng đông không kém Việt Nam, Bộ Công Thương dẫn loạt ví dụ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản được tự do tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, cơ quan này cũng không nhắc nhiều đến nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật của doanh nghiệp đầu mối ở các nước, đặc biệt là nghĩa vụ đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Liên quan đến các câu hỏi về việc Nhà nước cần có quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu; Về kiến nghị cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn và giá bán buôn xăng dầu có thời điểm cao hơn giá bán lẻ xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương nêu một số quan điểm cho rằng: Nhà nước không nên can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các doanh nghiệp, cũng như nếu cho lấy nhiều nguồn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát được chất lượng xăng dầu bán trên thị trường.

Cần nhìn thẳng, xử lý từ gốc

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng, các giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc họp báo sẽ giúp thị trường ổn định dần trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo vị này, vấn đề mấu chốt và gây bức xúc nhất với các doanh nghiệp trong ngành đó là Bộ Công Thương không chịu nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận trách nhiệm của mình. Các giải pháp đưa ra mới chỉ là xử lý các vướng mắc phần ngọn của thị trường hiện nay.

Cũng theo vị này, cơ quan quản lý cần sớm công khai nguồn hàng và hoạt động của từng đầu mối, từng thương nhân phân phối thay vì úp mở số liệu và tình trạng hoạt động như hiện nay. “Không ai biết các thương nhân phân phối đang hoạt động thế nào, tại sao không khai danh tính trên website của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp trong ngành cùng giám sát hoạt động”, vị này kiến nghị.

MỚI - NÓNG