PGS.TS, KTS Nguyễn Hồng Thục:

Giải pháp tổng thể mới giúp Sài Gòn giảm ngập

Ngập nặng do triều cường khiến đời sống người dân TPHCM bị đảo lộn trong mấy ngày qua
Ngập nặng do triều cường khiến đời sống người dân TPHCM bị đảo lộn trong mấy ngày qua
TP - PGS.TS, KTS Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư và con người đã đưa ra giải pháp tổng thể từ quy hoạch đến điều tiết chống ngập cho Sài Gòn trong tương lai.

Thưa bà, Sài Gòn đang ngập lụt nghiêm trọng từ trước đến nay, là người nghiên cứu về đô thị, bà thấy Sài Gòn đang phải đối mặt với điều gì?

Sài Gòn từ 300 năm trước không phải là thành phố “bên sông” mà là dạng đô thị “nằm giữa lòng sông nước” với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Do có những gò đất cao nằm giữa các sông rạch, lại nằm giữa đầu mối giao thông đông - tây, Cao Miên và cao nguyên nên việc hình thành đô thị Sài Gòn diễn ra một cách thuận lợi.

Hiện nay, tình trạng xây dựng ồ ạt ven sông đã khiến cảnh quan sông nước mất dần, nhiều nơi, không gian chung trở thành không gian riêng. Như khu vực Thảo Điền (Q.2), đất dọc sông bây giờ phần lớn do tư nhân sử dụng, không còn không gian công cộng để người dân thưởng ngoạn nữa. Đó là hậu quả của một quá trình dài thành phố thiếu bộ “khung sườn” về phát triển xanh. Nếu quy hoạch tốt, những mảng xanh ven sông được bảo vệ, không gian chung sẽ không bị chiếm làm của riêng như hiện nay.

Trong 10 năm qua, dù TP.HCM đã cố gắng cải tạo, trả lại cảnh quan ven sông, kênh rạch nhưng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, như phương án quy đổi hơn 110ha đất ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để xây dựng các khu nhà cao tầng được một số đơn vị đề xuất mới đây.

Hai đường Trường Sa, Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là cảnh quan sông nước, đủ sức tái tạo lịch sử khai phá của một đô thị giữa sông nước và kết nối người dân vào dải xanh khổng lồ này. Nếu lấy quỹ đất 110ha ven kênh để xây cao ốc, mở rộng đường sẽ chẳng khác nào bức tử con kênh, cơ hội phát triển đô thị xanh duy nhất ở nội đô Sài Gòn sẽ không còn.

Giải pháp tổng thể mới giúp Sài Gòn giảm ngập ảnh 1 PGS.TS, KTS Nguyễn Hồng Thục

Bà lo ngại gì từ việc TPHCM cho phép xây dựng ồ ạt trong thời gian qua?

Thành phố đang “ăn sổi ở thì” vì  không lập một bản đồ tổng thể địa lý thủy văn mà cứ cắt lẻ Sài Gòn ra để xây dựng, cộng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên thành phố càng có nguy cơ đối mặt ngập lụt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc kè hóa bê tông cả kênh rạch càng tạo nguy cơ ngập lụt.

Nếu coi mình là công dân của đô thị lớn Sài Gòn, bà có hiến kế gì giúp đô thị này không bị ngập lụt?

Để thúc đẩy khả năng thích ứng với lũ trong đô thị, cần nhiều mô hình “thích ứng với lũ” nhằm ngăn ngừa các thiệt hại khi xảy ra lũ lụt. Trở thành một đô thị thích ứng với lũ lụt ở Sài Gòn là xây dựng một cấu trúc tương tác tự nhiên giữa con người và thiên nhiên.

Cụ thể, với dải cảnh quan trung tâm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hai con kênh lớn giữa lòng thành phố nói trên đang cho phép lũ đi vào thành phố và nhờ nó trở thành các không gian chứa lũ, lợi dụng lũ để nuôi dưỡng hệ sinh thái đô thị. Hệ sinh thái nước và môi trường nước, trong quy hoạch này phải tính đến các rủi ro từ lũ, triều cường và chủ động các phương án chịu lũ, nâng cao nhận thức và khả năng đối phó của cộng đồng; sẵn sàng chuyển sang cơ chế thích nghi với lũ của toàn bộ hệ sinh thái nước của Sài Gòn.

Trước khi làm quy hoạch, việc tái tạo lại mô hình hiện trạng hệ thống địa lý thủy văn của Sài Gòn (sông, kênh rạch và biển Cần Giờ) làm nền cho tất cả các quy hoạch phát triển đô thị là hết sức cần thiết. Bởi càng cấp phép xây dựng, chúng ta càng chặn dòng chảy tự nhiên của nước gây thêm ngập lụt.

Cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG