Ngôi vô địch châu Á cho đến giờ chỉ là cuộc tranh chấp của nhóm 5 đội hàng đầu gồm nhà vô địch thế giới Nhật Bản, ĐKVĐ châu Á Australia, cựu vô địch Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Do CHDCND Triều Tiên có cầu thủ dính doping ở VCK World Cup lần trước, nên họ tạm thời bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá quốc tế. Vì vậy, chỉ còn 4 “ông kẹ” coi như đã hẳn nhiên lấy 4 vé dự World Cup, còn lại suất thứ 5 mới lọt xuống 3 đội mạnh nhất Đông Nam Á tranh chấp nhau.
Tại bảng A, VN sẽ thi đấu cùng đương kim vô địch Australia, Nhật Bản và Jordan. Bảng B có sự góp mặt của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar. Với thực lực hiện tại, mục tiêu khả dĩ nhất của tuyển nữ VN cũng như Thái Lan và Myanmar là giành vị trí thứ 3 trong bảng của mình để đá trận play-off, giành suất thứ 5 của châu lục để tham dự VCK World Cup 2015, được tổ chức tại Canada.
Nói như vậy là chúng ta đã mặc định loại đội bóng duy nhất thuộc khu vực Tây Á tham dự giải là Jordan, dù Jordan có những bước tiến bộ đáng kể trong thời gian qua.
Yếu tố sân nhà là một lợi thế cho tuyển nữ VN, nhưng đấy chỉ là lợi thế ở mức tương đối, khi mà đội tuyển nữ VN gần như không tìm được nét mới trong lối chơi. Giải vô địch châu Á tại TPHCM vì thế sẽ là một chiến dịch không hề dễ dàng cho bóng đá nữ VN.
Jordan được xem là đội bóng đá nữ hàng đầu của khu vực Tây Á, nhưng lại là bại tướng quen thuộc với đội tuyển nữ VN. Trong những lần đối đầu chính thức gần đây nhất, VN dễ dàng đánh bại Jordan 3-0 ở Asiad 2010 và 4-0 ở Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2013.
Lần gần nhất Jordan không phải nhận thất bại trước VN là khi họ cầm hòa tuyển VN 1-1 trong một trận đấu giao hữu diễn ra ở Hà Nội năm 2013.
Thắng lợi trước Jordan là điều kiện tiên quyết để tuyển nữ VN giành vị trí thứ ba ở bảng A, đồng nghĩa với một suất đá trận play-off tranh vé tới World Cup cùng đội hạng ba bảng B.
Cả VN, Myanmar và Thái Lan đều nhận thấy cơ hội giành vé dự vòng chung kết World Cup của mình nên cũng tăng cường đầu tư trong thời gian qua. Đối thủ nào cũng cao giọng đòi lấy chiếc vé cuối dự World Cup.
Thái Lan có sự chuẩn bị rất kỹ càng để hiện thực hóa giấc mơ dự World Cup. So với khi đánh bại VN 2-1 tại chung kết SEA Games 27, tuyển nữ Thái Lan có biến động lớn khi Muengruethai Sathongwien lên làm HLV trưởng thay Jatuporn Pramualban. Vị tướng mới đang được LĐBĐ Thái Lan hỗ trợ hết mình để giành suất dự World Cup.
Giữa tháng 4 vừa qua, tuyển nữ Thái Lan đã có chuyến tập huấn kéo dài hơn 2 tuần tại Osaka (Nhật Bản). Điểm mạnh của nữ Thái Lan là có dàn cầu thủ đồng đều, trẻ trung cùng lối chơi hiện đại. Bên cạnh đó, họ có một số cầu thủ đã và đang chơi tại Speranza Osaka (Nhật Bản).
Những “lính đánh thuê” như Pitsami Sornsai, Kanjana Sungngeon và Naphat Seesraum chắc chắn sẽ đóng vai trò chủ lực của Thái Lan.
Còn Myanmar tự tin rằng sẽ phục thù được Thái Lan sau lần thất bại ở sân nhà tại bán kết SEA Games rồi sẽ tính đến chuyện thắng Việt Nam hay Jordan ở trận play off.
Hiện tại tuyển nữ Myanmar được dẫn dắt bởi HLV người Nhật Kumuda. Cũng như các học trò, ông rất tự tin vào cơ hội của Myanmar lần này. Tại SEA Games 27, đội tuyển nữ Myanmar chỉ đoạt HCĐ nhưng HLV Kumada cho rằng qua SEA Games ông đã nhìn ra hai đối thủ Thái Lan và VN một cách rõ nét. Và bây giờ ông cùng các nữ tuyển thủ Myanmar đang chuẩn bị đánh bại Thái Lan lẫn đội tuyển VN ở sân chơi lớn hơn - sân chơi châu Á giành suất dự World Cup 2015.
Trong số 3 đội bóng Đông Nam Á, VN giàu kinh nghiệm nhất, với những cầu thủ đã nổi danh rất lâu trong làng bóng đá nữ khu vực như thủ môn Kiều Trinh tiền vệ Kim Hồng. Nhưng lối chơi của tuyển nữ VN hầu như không có thay đổi trong nhiều năm qua.