Nắm bắt “từ sớm, từ xa”, không ngồi chờ
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong năm 2023, thành phố Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, dự án có mức đầu tư công “siêu” lớn vừa được khởi công đúng tiến độ |
Theo kế hoạch, năm 2023, thành phố được Trung ương giao nguồn vốn là 46.956 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm 2023, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm 2023. UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch khắc phục và Kế hoạch giải ngân 6 tháng đầu năm 2023 (theo từng quý, từng dự án) và định kỳ tổ chức các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản toàn thành phố và theo từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn và đánh giá, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan và biện pháp khắc phục sự chậm trễ trong việc thực hiện giải ngân ở các lĩnh vực, các dự án. Trong đó yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện các công việc cụ thể, bao gồm ba nội dung cơ bản:
“Trước đây, thường có tình trạng các cấp, ngành ngồi chờ chủ đầu tư báo cáo mới biết tiến độ thực hiện dự án. Nhưng giờ, các sở, ngành phải chủ động yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo để nắm bắt quá trình thực hiện, cũng như những vướng mắc, khó khăn; từ đó kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ”.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội
Thứ nhất, đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Thứ hai, hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án (như phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu…). Thứ ba, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị các biện pháp giải quyết dứt điểm.
Căn cứ kết quả các hội nghị giao ban xây dựng cơ bản, Ban cán sự Đảng UBND thành phố định kỳ báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện. Trên cơ sở báo cáo, Ban Thường vụ Thành ủy đã thường xuyên chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các quận, huyện để nắm bắt, đôn đốc qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án, nâng cao kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Cầu Vĩnh Tuy - một công trình đầu tư công có tiến độ giải ngân tốt và hoàn thành đúng tiến độ để giảm ùn tắc giao thông |
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, thành phố tăng cường trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian quy trình, quy định. Đồng thời, tất cả các ngành có liên quan đều xác định việc thực hiện dự án là trách nhiệm chung, không thể ngồi chờ chủ đầu tư lên báo cáo mà phải chủ động nắm bắt việc thực hiện dự án “từ sớm, từ xa”. “Trước đây, thường có tình trạng các cấp, ngành ngồi chờ chủ đầu tư báo cáo mới biết tiến độ thực hiện dự án. Nhưng giờ, các sở, ngành phải chủ động yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo để nắm bắt quá trình thực hiện, cũng như những vướng mắc, khó khăn; từ đó kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ, hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ”, đại diện lãnh đạo UBND thành phố thông tin.
Với những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt trên, kết quả đến ngày 31/7/2023, tỷ lệ giải ngân toàn thành phố đạt 38,6% kế hoạch giao đầu năm, cao hơn với cùng kỳ năm 2022 (26,8%) và cao hơn mức trung bình của cả nước (35,49%).
Rút ngắn thủ tục, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Mặc dù kết quả giải ngân toàn thành phố cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (đạt gần 24%) và cao hơn so với mức trung bình của cả nước, song thành phố cho rằng, tỷ lệ này vẫn chưa thực sự yên tâm, các khó khăn, vướng mắc còn nhiều. Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh một số Sở ngành, quận huyện, đơn vị có tỷ lệ giải ngân khá cao như: Tây Hồ (78,7%); Mỹ Đức (77,6%), Long Biên (63%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông 48,2%... vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị tỷ lệ giải ngân rất thấp mức bình quân chung của toàn thành phố. Do đó, thành phố yêu cầu các địa phương, đơn vị nâng cao trách nhiệm, quyết liệt tập trung chỉ đạo giải ngân hiệu quả vốn đầu tư trong 6 tháng cuối năm.
Để hoàn thành được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đạt ít nhất trên 95% so với kế hoạch Trung ương giao, thành phố yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục quyết liệt giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Trong đó đặc biệt cần nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách thực chất. Lãnh đạo các đơn vị cần chủ động, tích cực hơn trong các khâu từ chủ trương đầu tư, ra quyết định đầu tư; gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc sở, ban quản lý dự án vào tiến độ giải ngân - coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua hằng quý, cuối năm.
Các địa phương chủ trì, phối hợp tích cực với các Ban Quản lý dự án chuyên ngành của thành phố, Sở TN-MT để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. UBND các quận, huyện, thị xã cần nghiên cứu, thực hiện theo Quyết định số 1841 ngày 1/6/2022 của UBND thành phố về việc ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã quyết định điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để thu hồi diện tích sử dụng đất hoặc cho thuê đất đối với các thửa có giá trị theo quy định tại bảng giá đất dưới 30 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB.
UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp với mặt bằng giá thị trường. Đối với các dự án có sử dụng vốn ODA, thành phố yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc của các dự án sử dụng, báo cáo tham mưu UBND thành phố phương án giải quyết.
Đặc biệt, thành phố yêu cầu tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý. Định kỳ tổ chức các cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản (hàng tháng đối với lĩnh vực do các phó chủ tịch UBND thành phố phụ trách và hàng quý trên toàn thành phố). Thành phố giao Sở Nội vụ tổng hợp, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của người đứng đầu, tập thể, cá nhân các ngành địa phương. Sở Nội vụ cũng được giao chủ trì tham mưu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu và tham mưu thành phố xử lý nghiêm các đơn vị giải ngân chậm, không đạt 90% kế hoạch do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng.
Các cơ quan tại Hà Nội có mức giải ngân tốt trong 6 tháng đầu năm, vượt mức trung bình của thành phố: Quận Tây Hồ 78,7%, huyện Mỹ Đức 77,6%, quận Hà Đông 67,6%%, quận Long Biên 63,1%. Các sở ngành trực thuộc thành phố Hà Nội thì chỉ có 1 đơn vị vượt mức này, gồm: Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông 48,2%...