Tới tận mùa đông năm ngoái, các chuyên gia vẫn cho rằng hai vụ phóng SLBM của Triều Tiên năm 2015 chứng tỏ nước này vẫn còn cả một chặng đường xa cần vượt qua thì mới đạt tới năng lực công nghệ hiện tại.
Nhưng thực tế, theo nhận định của Katharine H.S. Moon, chuyên gia nghiên cứu về các mối quan hệ liên Triều, việc Triều Tiên nhanh chóng cải thiện được công nghệ phóng và lần đầu tiên dùng nhiên liệu rắn để đốt động cơ SLBM, chứng tỏ chương trình hạt nhân của nước này đang tiến nhanh hơn và tốt hơn dự đoán.
Trong một bài viết trên trang CNN, bà Moon cho biết, đến nay, các chuyên gia độc lập chưa thể kết luận vụ thử SLBM ngày 24/4 có thành công hay không. Nhưng ngay cả khi nó không được như lời ông Kim Jong Un ca ngợi sau đó, thì nỗ lực ngày đêm của Triều Tiên nhằm đạt được năng lực SLBM đang cảnh báo cho sự ổn định của khu vực nói riêng và quốc tế nói chung.
Triều Tiên đã có trong tay một kho tên lửa có thể mang hạt nhân phóng từ mặt đất. Tham vọng về SLBM chứng tỏ nước này đang khát khao nắm trong tay năng lực tấn công thứ 2 để mở rộng lá chắn hạt nhân.
Điều đó có nghĩa là, nếu một thế lực bên ngoài - chẳng hạn như Mỹ, mà Triều Tiên coi là kẻ thù số 1 - định phóng các ICBM để phá hủy vũ khí trên bộ của Triều Tiên, thì nước này có thể dùng đến các SLBM để bắn phá kẻ thù. Tuy chưa đủ sức gây tổn thương cho lục địa Mỹ nhưng Triều Tiên có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đồng minh của Mỹ, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng quân nhân và các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, thậm chí Hawaii.
Vụ phóng SLBM ngày 24/4 càng khiến cho tình hình căng thẳng. Thứ nhất, Triều Tiên chọc giận Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lần nữa khi vi phạm chế tài cấm vận tháng 4/2016. Thứ hai, Triều Tiên đạt được công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn là rất nguy hiểm, bởi nước này sẽ có thể cải tiến công nghệ ICBM, đưa lục địa Mỹ vào tầm bắn khả thi hơn trước khi phóng SLBM.
Mỗi cuộc thử nghiệm dù thành hay bại thì vẫn rất hữu ích để các nhà khoa học Triều Tiên rút ra bài học, nhắm tới các hệ thống vũ khí mới. Bên cạnh đó, một khi năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng càng mạnh thì cộng đồng quốc tế càng khó ép buộc nước này giải giáp hạt nhân. Điều kiện mà Bình Nhưỡng đặt ra sẽ càng cao hơn.
Và một thực tế thấy rõ nữa là, năng lực hạt nhân của Triều Tiên càng cao thì Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản càng cần phải thích ứng về chiến lược cũng như năng lực đánh chặn cả ở tầm riêng lẻ và kết hợp.
Nhưng ở mặt khác, vụ phóng SLBM và "đề nghị" kèm theo của Triều Tiên, rằng nước này sẽ ngừng thử hạt nhân nếu Mỹ dừng tập trận chung với Hàn Quốc, có thể là tín hiệu chứng tỏ loạt đòn trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp lên Bình Nhưỡng đang phát huy tác dụng.
Thêm nữa, lần đầu tiên Pháp và các thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) - hầu hết đều có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên - đã bàn tính đến chuyện cấm vận đáp trả vụ phóng thử SLBM. Đây là một diễn biến quan trọng, bởi EU từ lâu vẫn tránh đối kháng với Triều Tiên.
Mỹ thì ngược lại. Từ thời George W. Bush tới Barack Obama đều kiên trì nỗ lực giải giáp hạt nhân trước khi có thể thiết lập sự ràng buộc thực sự và quan hệ ngoại giao chính thức.
Ngay lúc này, Triều Tiên có thể đang cảm thấy phấn kích về "thành tựu" SLBM. Nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn ở thế tay trên, bởi chiến thuật họ chọn là chờ đợi và chứng kiến tác động lan tỏa của cấm vận, đồng thời tạo dựng sức mạnh ở Hàn Quốc, Nhật Bản cùng các đồng minh châu Âu.