Theo bản tin trên Russia Today (RT) ngày 22/11, vợ của các nhà khoa học bị hy sinh hôm 21/11 đã được mời đến điện Kremlin. Tổng thống Vladimir Putin đã trao các Huy chương Dũng cảm mà chồng các bà được truy tặng đồng thời bày tỏ chia buồn với họ.
Ông Putin nói trong bài điếu văn của mình: “Họ đang tham gia vào một nhiệm vụ rất khó khăn, quan trọng và then chốt. Chúng ta đang nói về những ý tưởng và giải pháp kỹ thuật mũi nhọn và tiên tiến nhất chưa từng có ở bất kỳ đâu trên thế giới. Đây là loại vũ khí đảm bảo chủ quyền và an ninh của Nga trong mấy chục năm tới”.
Ông Putin đã đề cập rằng loại công nghệ vũ khí thuộc sở hữu của Nga này là “thứ đảm bảo quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất của hòa bình trên Trái đất” và cam kết dù bất kể điều kiện thế nào cũng sẽ tiếp tục cải thiện loại vũ khí này.
Vào ngày 8/8/2019, đã xảy ra một sự cố trong vụ thử động cơ tên lửa bí mật ở Arkhangelsk, Nga; gây ra một vụ nổ lớn tại một sàn nổi trên biển gần bờ thuộc một bãi thử quân sự bí mật tại Arkhangelsk. Vụ tai nạn xảy ra trong quá trình thử nghiệm nguồn năng lượng đồng vị của một động cơ tên lửa dùng nhiên liệu lỏng. Vụ tai nạn đã làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 nhân viên của Công ty điện hạt nhân quốc gia Nga (Rosatom) và hai cán bộ khác của Bộ Quốc phòng. Khu vực xảy ra vụ nổ đã gia tăng đột ngột bức xạ hạt nhân trong thời gian ngắn, nhưng các thông số đã nhanh chóng trở lại bình thường.
Quân đội Nga ngày 10/8 đã thừa nhận rằng sự cố này đã “gây ra vụ nổ có tính chất hạt nhân” và tuyên bố đóng cửa một phần tuyến hàng hải Vịnh Dvinskiy Zaliv trên Biển Trắng trong thời gian một tháng. Một số nhà phân tích đã suy đoán rằng việc này có thể để giữ bí mật hành động thu hồi các mảnh vỡ của tên lửa. Ngoài ra, do Công ty Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga nhắc đến “nguồn năng lượng đồng vị hạt nhân” dẫn đến việc một số cơ quan truyền thông Nga kết luận vũ khí này là loại “Burevestnik”, hoặc “Petrel” - một loại tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân, hay còn gọi là “vũ khí ngày tận thế” đã được Tổng thống Vladimir Putin công bố lần đầu tiên vào tháng 3/2018.
Một số chuyên gia còn gắn vụ nổ với loại tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân “Burevestnik” 9M730 (được NATO đặt tên là SSC-X-9, Skyfall). Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lawrence Kolb nói, thứ vũ khí được gọi là Skyfall được hầu hết các chuyên gia Mỹ coi là “ảo tưởng”, “đây là một điều rất nguy hiểm vì là vũ khí liên quan đến nhiên liệu hạt nhân”. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/8 đã bày tỏ sự không hài lòng về vụ sự cố này, nói rằng Mỹ “đã học được rất nhiều từ vụ nổ tên lửa thất bại” và nói rằng Washington có “công nghệ tương tự nhưng tiên tiến hơn”.
Vậy “Burevestnik” là loại vũ khí như thế nào mà ông Putin cho là “vũ khí vô đối”? Theo CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3/2018 đã ca ngợi loại tên lửa 9M370 “Burevestnik” có tầm bắn không giới hạn và có thể đột nhập bất kỳ hệ thống phòng không nào của Mỹ. Sau khi phóng, nó có thể bay vòng quanh Trái đất nhiều lần, có thể ở trên không gian suốt mấy ngày và sau đó có thể lao xuống tấn công mục tiêu ở một góc độ bất ngờ.
Ông Jon Hawkes, Phó Chủ nhiệm bộ môn Chiến tranh mặt đất tại Công ty Jane›s IHS Markit, chỉ ra rằng: thiết kế động lực của loại tên lửa này không ngoài hai loại: một loại sử dụng động cơ kiểu hút khí và làm nóng không khí bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ rồi phụt ra tạo thành sức đẩy phản lực. Loại thứ hai là sử dụng động cơ tên lửa nhiệt hạch để đốt nóng nhiên liệu hydro lỏng sau đó phun ra để tạo lực đẩy.
Ông Jon Hawkes nói, do phía Nga nhấn mạnh đây là tên lửa có tầm bắn không giới hạn, nên nhiều khả năng họ áp dụng loại thiết kế thứ nhất vì tầm bắn của loại sử dụng nhiên liệu hydro bị hạn chế.
CNN chỉ ra rằng một vấn đề lớn với loại tên lửa này là khí thải phụt ra từ lò phản ứng hạt nhân sử dụng làm nguồn năng lượng, có thể trở thành một loại “bom bẩn” phát tán bức xạ. Do đó, nhà nghiên cứu Mark Galeotti của Viện nghiên cứu quân sự Hoàng gia Anh (RUSI) đã chỉ ra rằng đây là loại “vũ khí ngày tận thế”. Theo ông, “chỉ khi nào xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, mới có thể sử dụng loại vũ khí này. Đây là một loại tên lửa hành trình có thời gian ở lại trên không lâu và sẽ tạo ra một cái đuôi bụi phóng xạ”.
Các chuyên gia tình báo Mỹ đã phân tích: các tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga không thể bay với tốc độ Mach 3.5, nhưng nó có một ưu thế vượt trội so với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa: tầm bay gần như không có giới hạn, chưa từng có. Tên lửa hành trình hiện đại sử dụng động cơ phản lực turbin khí hoặc động cơ phản lực cánh quạt, thường chỉ có tầm bắn mấy ngàn km. Đó là giới hạn được quyết định bởi khả năng mang nhiên liệu của chúng.
Tuy nhiên, tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể bay lâu trong vài ngày và có thể di chuyển với đường bay phức tạp để khai thác các lỗ hổng của hệ thống phòng không đối phương.