Giải mã dòng ký tự lạ khắc trên bia đá cổ ở Gia Lai

Giáo sư Arlo Griffiths nghiên cứu dòng chữ khắc trên bia đá Chăm Pa. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ
Giáo sư Arlo Griffiths nghiên cứu dòng chữ khắc trên bia đá Chăm Pa. Ảnh Nguyễn Quang Tuệ
TPO - Bia đá cổ cao 220cm, rộng 180cm, dày 140cm. Mặt chính bia đá gồm 8 dòng ký tự lạ, mặt sau có 3 dòng.

Ngày 5/10, ông Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng quản lý di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Chính quyền huyện Đắk Pơ (Gia Lai) đã công bố bản dịch những dòng ký tự Chăm Pa khắc trên bia đá từ thế kỷ XV.

Bia đá này được người dân thôn Tân Lương (xã Tân An, huyện Đắk Pơ) tìm thấy từ năm 1962. Đến năm 2010, người dân báo tin đến chính quyền huyện Đắk Pơ về tấm bia đá với những ký tự lạ.

Không lâu sau, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Gia Lai cử ông Nguyễn Quang Tuệ đến phối hợp với chính quyền địa phương tìm hiểu về bia đá. Lúc này, tấm bia còn nằm trong một lùm cây gai giữa vạt mía um tùm.

Giải mã dòng ký tự lạ khắc trên bia đá cổ ở Gia Lai ảnh 1Bia đá Chăm Pa ở thôn Tân Lương, xã Tân An

Bia đá này cao 220cm, rộng 180cm, dày 140cm. Mặt chính bia đá gồm 8 dòng ký tự, mặt sau có 3 dòng.

Ngay sau trở về từ thực địa, ông Nguyễn Quang Tuệ đã đăng tải một số thông tin, hình ảnh lên mạng Internet và nhận định rằng ký tự lạ trên bia đá là ký tự Chăm Pa. Ông đã nhờ nhiều nhà nghiên cứu về văn hoá, ngôn ngữ giải mã nội dung khắc trên bia đá nhưng không thành công.

Tám năm sau, giáo sư Arlo Griffiths (Pháp) - người chủ trì dự án Sưu tập văn khắc Chăm Pa của Viện Viễn đông Bác cổ (EFEO) và chuyên gia Khom Sreymom (Campuchia) đã sang Việt Nam, tiến hành dập, đọc, dịch nội dung khắc trên bia đá. Gần một tháng làm việc tại huyện Đắk Pơ, giáo sư Arlo Griffiths cùng các chuyên gia thực hiện được 3 bản dập bia đá. 

Nội dung bia đá Chăm Pa được giáo sư Arlo Griffiths dịch từ tiếng Chăm Pa cổ sang tiếng Anh và đã được ông Nguyễn Quang Tuệ dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

Khi rời Việt Nam, giáo sư Arlo Griffiths đã gửi tặng 2 bản dập bia đá Chăm Pa để lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Nhà truyền thống huyện Đắk Pơ, 1 bản dập được giáo sư Arlo Griffiths gửi đến Paris để lưu trữ trong thư viện của EFEO.

Giải mã dòng ký tự lạ khắc trên bia đá cổ ở Gia Lai ảnh 2
Giải mã dòng ký tự lạ khắc trên bia đá cổ ở Gia Lai ảnh 3

Bản dập từ bia đá có 11 dòng chữ

Theo các nhà khảo cổ học, bia đá Chăm Pa này lập năm 1438/1439 thế kỷ thứ XV (tức năm 1360, niên đại Saka, dưới thời vua Yura Bhadravarman Deva). Do quá trình bào mòn của thời gian, văn bia khắc 11 dòng chữ Chăm Pa ở thôn Tư Lương chứa đựng một số từ ngữ vẫn chưa lý giải hết. Đây là những dấu vết hiếm hoi của giai đoạn lịch sử cuối cùng của vương quốc Chăm Pa trên vùng cao nguyên.

Hiện bản dịch 11 dòng chữ khắc trên bia đá Chăm Pa cổ chưa hoàn chỉnh. Bước đầu, nội dung của bia đá: “Ngợi ca. Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya...

MỚI - NÓNG