Ngày 31/1, ông Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng phòng quản lý di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết các chuyên gia đến từ trường Viễn Đông Bác cổ Pháp đã giải mã được những dòng chữ cổ mà người Chăm viết cách đây gần 600 năm.
Theo ông Tuệ, bia đá này nằm ở thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đắk Pơ, Gia Lai, cao hơn 2m, rộng khoảng 2m. Cả hai mặt bia đá đều có 10 dòng chữ Chăm cổ. Từ khi phát hiện vào năm 2010, Sở đã tìm mọi cách, mời nhiều người nghiên cứu về để giải mã nhưng không đạt. Đến cuối năm 2017, Sở mời chuyên gia từ trường Viễn Đông Bác cổ Pháp là giáo sư Arlo Griffiths đến nghiên cứu. Tối hôm qua (30/1), giáo sư Arlo Griffiths khẳng định đã dịch được toàn bộ số chữ khắc trên đá, tuy nhiên ông cần mang về Pháp để tra cứu lại, rồi sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
“Dòng chữ cổ khắc trên bia đá khi được dịch ra sẽ cho chúng ta thấy được vùng đất này ngày xưa như thế nào, vấn đề về văn hóa, lãnh thổ ra sao. Sau khi có bản dịch này Sở sẽ lập hồ sơ để có phương án bảo tồn. Phải tìm hiểu xem ngoài tấm bia đá này ra còn có dấu vết khác không. Bởi cách đó không xa là tượng đầu rắn Naga nặng khoảng 10kg được Sở phát hiện vào tháng 6/2009”- Ông Tuệ nói.
Có 10 dòng chữ Chăm được khắc trên cả hai mặt bia đá (Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ)
Tấm bia đá có chiều cao và rộng khoảng 2m (Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ)
Tượng đầu rắn Naga hiện lưu ở Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo tại thị xã An Khê, Gia Lai (Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ).