Giải mã các cuộc tập trận Nga - Trung Quốc

Giải mã các cuộc tập trận Nga - Trung Quốc
TP - 1. Hai tuần sau cuộc tập trận “Tương tác Hải quân 2013” tại vùng biển Nhật Bản, Nga và Trung Quốc (TQ) khởi động cuộc tập trận quy mô lớn tiếp theo có tên gọi “Sứ mệnh Hòa bình 2013”.

> Nga rầm rộ tập trận 'nắn gân' đối thủ nào?
> Nga – Trung dàn trận trên biển: 'Đồng sàng dị mộng'

Cuộc tập trận diễn ra từ ngày 27/7 đến 15/8 tại ngoại ô thành phố Chelyabinsk, miền Nam nước Nga. Khoảng 1.500 binh sỹ cùng máy bay ném bom và trực thăng chiến đấu của hai nước sẽ tham gia cuộc tập trận này.

2. Trong chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình hồi tháng 3, khoảng 30 nội dung hợp tác chiến lược toàn diện đã được bàn thảo, trong đó nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Nga-TQ trong việc xây dựng thế giới đa cực. Và, một trong những nội dung chính là thống nhất phối hợp bảo đảm lợi ích trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (châu Á-TBD) giữa Nga và TQ.

Theo đó, Nga và TQ sẽ tăng cường trao đổi quân sự tại châu Á-TBD, nhất là trong lĩnh vực hải quân. Điều này phục vụ lợi ích rất lớn của Nga và TQ, kể cả trước mắt cũng như lâu dài, trong bối cảnh khu vực diễn biến ngày càng khó lường.

3. TQ vốn có truyền thống coi trọng nơi công du đầu tiên của tân lãnh đạo cấp cao nhất bởi điều đó phản ánh bản chất cốt lõi trong đường lối ngoại giao của chính quyền mới.

Ông Tập Cận Bình chọn Nga là điểm công du đầu tiên cho thấy, Bắc Kinh rất muốn tăng cường quan hệ với Mátxcơva nhằm tạo ra đối trọng với liên minh do Washington thiết lập tại châu Á-TBD.

Việc khôi phục liên minh Nga-TQ chủ yếu là do áp lực đối với các vấn đề an ninh khu vực. Nói đúng hơn, quan hệ đối tác Nga-TQ hiện nay nặng về quân sự hơn kinh tế. Bởi trên thực tế, khối lượng thương mại giữa Nga-TQ năm 2012 là 80 tỷ USD, chỉ tương đương khoảng 1/6 kim ngạch thương mại giữa TQ và Mỹ.

Theo giới phân tích, quan hệ TQ-Nga cũng không phải là liên minh chính thức, mà chỉ là một liên minh nửa vời. Bản thân Mátxcơva cũng không hoàn toàn cho rằng Bắc Kinh đáng tin cậy, một phần là do sự thiếu nhất quán trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

TQ từng liên minh với Nga những năm 1950 và quan hệ tốt với Mỹ thập niên 1970, nhưng lại theo đuổi chính sách không liên kết những năm 1980. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, liên minh nửa vời này lại giúp TQ có thêm cơ sở để tin vào việc phá vỡ thế bao vây mà Washington đang nỗ lực xác lập xung quanh Bắc Kinh.

4. Xét trên tiềm lực quân sự thực tế, Nga và TQ đều không đủ sức một mình đấu với Mỹ và liên minh quân sự do Washington chi phối tại châu Á-TBD. Vì vậy, TQ và Nga đã lựa chọn tăng cường sự hợp tác chiến lược sâu sắc và việc tổ chức các cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước là cách duy nhất để phát triển sự hợp tác này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG