Giải hạn cho chùa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Một dạo tôi mải miết đi tìm xem ngôi chùa nào “nghèo nhất Việt Nam”, nhưng thực tình tìm chưa ra. Có thể do chưa đủ “duyên”? Để được gặp lại cảnh trí thuở ấu thơ từng bắt gặp nơi chùa làng mái tranh vách đất, nơi các ông sư bà vãi cần mẫn cấy cày trên những mảnh ruộng tam bảo làm ra hạt gạo tự nuôi sống mình.

Theo đúng như lời dạy của Chư tổ “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Một ngày không làm, một ngày không ăn).

Giữa cảnh “chùa to chuông lớn” nghênh ngang khắp nơi, làm sao tìm đến được một cửa thiền thanh tịnh không ồn ào ô trược, giữ được gia phong như Phật hoàng Trần Nhân Tông hơn 700 năm trước đã truyền lại “Áo rách ôm mây, mai húp cháo/Bình xưa rót nguyệt, tối chưng trà”?

Có một đêm tôi nghỉ lại ngôi chùa nghèo làng mình ở xóm nhỏ miền Trung, gian chánh điện thấp bé chỉ rộng chưa đầy hai chục thước vuông tường vôi tróc lở mà thấy an yên đến lạ. Khi mới hồi chiều sang làng bên ngắm cái “đại công trình chùa” riêng chánh điện đã gần 11 ngàn mét vuông, cao tới 37 mét, thấy lạnh người. Làng nghèo thì làm gì có tiền mà xây dựng vật vã đến vậy. Chẳng qua do khung cảnh ngọn đồi bờ sông nơi đây quá thơ mộng và thuận lợi đi lại, người nơi khác bèn vác núi tiền đến đầu tư vào dịch vụ tâm linh…

Chùa đó biết gọi là loại “chùa” gì?! Nhưng loại ấy giờ nhan nhản, bao chiếm hầu khắp danh thắng nổi tiếng trên đất nước này. Đánh vào tâm lý luôn thích những thứ to lớn, kỳ vĩ, chùa càng to điện càng lớn thì càng “linh” của đám đông. Và hiển nhiên đám đông khổng lồ ấy bị kéo vào đủ những chiêu trò tinh vi, từ dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, với mục đích cuối cùng là những khoản tiền cúng dường rất lớn. Đến thứ mơ hồ tâm tưởng như “xá lợi Phật” mà cũng bị biến tướng thành cơ hội trục lợi.

Nên mới đây, việc Thủ tướng ra công điện về việc đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024, trong đó yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đã được đông đảo dư luận ủng hộ.

Thực tế, từ những năm trước đã có không ít văn bản yêu cầu các chùa không được cúng dâng sao giải hạn, mê tín dị đoan, nhưng việc đâu vẫn vào đấy. Do quản lý không chặt, xử lý không nghiêm. Như có chùa cổ nổi tiếng ở giữa trung tâm thủ đô, đến Tết năm ngoái vẫn nghìn nghịt người dự cúng giải hạn sao La Hầu, dù đã hạn chế cảnh người tràn ra đường. Nên nếu chỉ siết trên văn bản mà thực tế nhiều nơi vẫn thả nổi, vẫn hoạt động trá hình xem thường luật pháp lẫn phật pháp, thì mưu đồ trục lợi trên sự u mê vẫn còn đất sống.

Đọc sách, thấy “Chùa” chữ Nôm là Trù, nghĩa là nhà bếp, một nơi an yên, ấm áp trong mỗi nếp nhà cũng như cõi nhân gian. Những “gian bếp” ấm ấy đã bị mai một quá nhiều, liệu đến lúc còn hiện diện nơi cõi thế xô bồ này?

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
Địa ốc 24H: Chuyển nhượng NƠXH vẫn phải đóng tiền đất; hơn 12.000 căn hộ tái định cư bỏ trống
TPO - Cảnh hoang vắng, đìu hiu trong khu tái định cư Thủ Thiêm; Chưa thực hiện miễn tiền sử dụng đất khi chuyển nhượng NƠXH; Huyện sắp lên quận ở Hà Nội bổ sung hơn 760ha đất làm loạt khu đô thị mới; Ngân hàng nước ngoài được cấp bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 6/11.