Bỏ dâng sao, khuyến khích cầu an trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giáo hội Phật giáo Việt Nam sớm hướng dẫn các chùa, cơ sở tự viện tổ chức lễ cầu an trực tuyến, tránh mê tín dị đoan. Các đại lễ dâng sao giải hạn dần chuyển dịch sang cầu an trực tuyến để thích ứng sau hơn hai năm dịch bùng phát.

Cầu an trực tuyến

Dâng sao giải hạn ăn vào ý thức của phần đông người dân Việt. Dù không phải nghi lễ truyền thống của Phật giáo, nhưng người dân vẫn giữ nếp quen thuộc tìm về cửa chùa nhờ các thầy cúng sao hóa giải vận rủi. Vài năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có văn bản chính thức không tổ chức dâng sao giải hạn, chỉ thực hành nghi lễ cầu an đúng chính pháp.

Bỏ dâng sao, khuyến khích cầu an trực tuyến ảnh 1

Khóa lễ tụng kinh Dược sư ở chùa Bái Đính

Đại dịch bùng phát ba mùa xuân kéo theo sự dịch chuyển của các nghi thức tâm linh. Từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn có công văn yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện “tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh nội dung nghi lễ không đúng chính pháp. Lưu ý trong cách tổ chức tiếp nhận nghi lễ và không dùng các thuật ngữ dễ gây cho xã hội hiểu lầm lệch chuẩn về ý nghĩa cầu an của Phật giáo”. Giáo hội cũng yêu cầu tăng cường bài giảng, pháp thoại hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, cầu an trực tuyến kết nối với đồng bào Phật tử trong nước và Việt kiều ở nước ngoài.

Thượng tọa Thích Quang Minh chủ trì khóa lễ tụng kinh Dược sư cầu quốc thái dân an tại điện Tam Thế chùa Bái Đính vào 12 tháng Giêng. Nhà chùa thực hành nghi lễ đảm bảo giãn cách, hạn chế số lượng không quá 20 người. Toàn cảnh khóa lễ được ghi hình và phát trực tuyến trên fanpage facebook của chùa Bái Đính.

Tổ đình Phúc Khánh (dân thường gọi chùa Phúc Khánh)-một trong những “điểm nóng” về dâng sao giải hạn-tiếp tục một năm thực hiện lễ cầu an trực tuyến, trực tiếp trên nền tảng xã hội tối 14 tháng Giêng (14/2/2022). Nhà chùa sớm ra thông bạch về đại lễ cầu an trực tuyến, không còn gọi là khóa lễ dâng sao giải hạn các “sao xấu”. Không có “bảng giá” dâng sao, nhà chùa khuyến khích Phật tử, người dân “tùy hỉ” công đức khi đăng ký dâng sao giải hạn. Nhà chùa phát phiếu đăng ký cầu an trực tiếp cho người dân tới chùa, tuy thế cũng khuyến khích đăng ký trực tuyến từ tháng 12 âm lịch năm 2021.

Đại đức Thích Minh Đức, đại diện chùa Phúc Khánh cho biết, người dân có sự thay đổi dần về nhận thức. Năm nay, lượng người dân đăng ký cầu an trực tuyến tăng hơn so với năm đầu tiên. Nhà chùa sớm thông báo về lễ cầu an trực tuyến vào 19h tối 14 tháng Giêng, chỉ hạn chế một số lượng nhất định tại chùa (không quá 30 người). Nhờ tinh thần thích ứng linh hoạt của Giáo hội trong hai năm qua nên bà con dần quen với hình thức đại lễ trực tuyến-sự chuyển dịch linh hoạt nhằm tránh dịch bệnh lây lan. Phật tại tâm vì thế ngày càng được lan tỏa.

Bỏ dâng sao, khuyến khích cầu an trực tuyến ảnh 2

Chùa Phúc Khánh thực hiện đại lễ cầu an trực tuyến vào tối 14 tháng Giêng. Ảnh: Kỳ Sơn

Chưa dễ bỏ dâng sao

Nhà chùa không thực hành nghi lễ dâng sao giải hạn nhưng tâm lý của người dân chưa dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều. Chùa Quán Sứ không còn nhận dâng sao giải hạn, thay vào đó chuyển sang cầu an. Ngôi chùa này vẫn là một trong những địa chỉ hàng đầu để người dân hành lễ mỗi dịp ngày rằm, mùng Một và đương nhiên vẫn có sức hút để đăng ký cầu an. Các vãi già trực tại chùa cũng tránh dùng từ “dâng sao giải hạn” khi người dân hỏi. Khi ghi lại thông tin cầu an thì mỗi người lại chủ động mở ngoặc viết thêm tên “sao chiếu mệnh” vào bên cạnh.

Chị Nguyễn Thu Hà (Đống Đa) vẫn giữ nếp sang chùa Phúc Khánh từ sớm để đăng ký “giải hạn” cho gia đình, bất chấp “sao xấu hay sao đẹp”. “Các thầy cũng giảng pháp về việc không có sao xấu, sao đẹp, rằng Phật không dạy phải dâng sao giải hạn, không đốt vàng mã. Tuy nhiên gia đình tôi vẫn tâm niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Hai năm nay chùa không tổ chức lễ giải hạn nhưng vẫn có lễ cầu an trực tuyến, gia đình tôi đều đăng ký cầu an cho cả nhà coi như liều thuốc tinh thần. Từ khi đại dịch xuất hiện, chúng tôi không cố chen vào chùa nữa, vào giờ hành lễ chỉ cần nhất tâm hướng Phật”, chị Hà nói.

Đăng ký cầu an nhưng anh Vũ Quang Huy (Hoàng Mai) vẫn tin đó là do cách gọi khác nhau mà thôi. Thực tế anh Huy đăng ký cầu an cho gia đình năm người, mỗi người hết 100 ngàn đồng. “Nhiều người sính về các chùa lớn như Quán Sứ, Phúc Khánh để giải hạn. Gia đình tôi chọn chùa làng gần nhà, không lo đông đúc chen lấn. Tâm thành thì lễ ở đâu cũng tốt. Sau khóa lễ cầu an, cả gia đình hoan hỉ thụ lộc chay”, anh Huy cho biết. Suy nghĩ này cũng không lạ đối với phần lớn người dân: cầu an hay giải hạn cốt là bỏ chút tiền “mua” niềm tin, sự an yên.

Cầu an không sai nhưng…

TS. Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục, chuyên gia phong thủy nhiều lần lên tiếng cắt nghĩa về chuyện hiểu sai lệch về “sao xấu, sao đẹp”. Gốc tích của việc chia theo các sao xuất phát từ Đạo giáo, sau này người Việt chuyển sang quy cách phân chia sao thuộc cửu cung bát quái sang quy theo tuổi, vì thế nên mới có chuyện nghĩ đến dâng sao giải hạn. Người Việt lại thường sính “giải hạn” ở các chùa, dù theo tinh thần Phật giáo thuần khiết không hề có nghi lễ này. Dâng sao không có nguồn gốc từ Phật giáo, nhưng do lịch sử tam giáo đồng nguyên ở Việt Nam, nhà chùa cũng du nhập một số nghi lễ từ Nho giáo, Đạo giáo.

“Người dân ai cũng mong một năm tốt lành nên mới nghĩ đến chuyện giải hạn, không có hạn cũng giải, dâng sao giải hạn xong rồi cũng chẳng thể xác thực kết quả ra sao. Giáo hội ra văn bản không dâng sao giải hạn nhưng vẫn tổ chức cầu an. Có cung ắt có cầu. Cầu an là nhu cầu có thật trong xã hội, tuy nhiên một số người thổi phồng về chuyện dâng sao giải hạn khiến ý nghĩa bị sai lệch đi”, TS. Nguyễn Văn Vịnh nói.

Câu chuyện thay đổi nhận thức của người dân về dâng sao giải hạn theo TS. Nguyễn Văn Vịnh hoàn toàn có thể làm được. Ông cho rằng, Giáo hội cần khuyến cáo tốt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa: “Nếu các chùa không tổ chức giải hạn nữa thì dân cũng không biết giải ở đâu. Ngăn được một phía thì gần như không xảy ra việc trục lợi từ dâng sao giải hạn”, ông nêu.

Bảo Hân

MỚI - NÓNG