'Giải cứu' thương hiệu cốm Vòng

Cốm Vòng làm mộc - không nhuộm phẩm màu vẫn được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cốm Vòng làm mộc - không nhuộm phẩm màu vẫn được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO – “Các hộ sản xuất cốm tuyệt đối không được dùng những phẩm màu chứa chất gây ung thư, chỉ sử dụng hạn chế những chất nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.” – Ông Nguyễn Quang Hồng nói.

> Malachite green nhuộm cốm có thể gây ung thư
> Cốm làng Vòng được nhuộm bằng gì?

Các hộ dân làm cốm làng Vòng đã cùng ký cam kết đảm bảo ATVSTP
Các hộ dân làm cốm làng Vòng đã cùng ký cam kết đảm bảo ATVSTP.
Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trước thông tin phản ánh trên báo chí và kết quả công khai của Bộ Y tế về việc cốm Vòng có chứa chất gây ung thư (Tiền phong đã đưa tin vào ngày 2-11), chiều 3-11, trung tâm y tế quận Cầu Giấy đã phối hợp với UBND phường Dịch Vọng Hậu và Chi cục ATVSTP Hà Nội tổ chức buổi tập huấn ATVSTP cho các hộ sản xuất, kinh doanh cốm trên địa bàn phường Dịch Vọng Hậu.

Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Hồng cho biết: Trước đây, các cụ bằng kinh nghiệm dân gian chỉ dùng nước lá cây để tạo màu xanh cho cốm. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ do chưa có nhận thức đầy đủ nên đã tự ý mua các chất phụ gia tạo màu cốm không được cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.

Sau khi các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, chúng tôi đã họp khẩn cấp để yêu cầu các hộ dân dừng ngay việc sản xuất cốm dùng phẩm màu. Đồng thời phổ biến cho bà con các quy định về ATVSTP và các chất phụ gia được phép sử dụng, định hướng và tạo điều kiện cho bà con sản xuất cốm an toàn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của làng Vòng, cũng như thương hiệu cốm nổi tiếng bấy lâu.

Bà Hoàng Thị Minh Thu – Chi Cục phó Chi cục ATVSTP Hà Nội
Bà Hoàng Thị Minh Thu – Chi Cục phó Chi cục ATVSTP Hà Nội .
Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Bà Hoàng Thị Minh Thu – Chi Cục phó Chi cục ATVSTP Hà Nội giải thích rõ hậu quả của việc sử dụng phẩm màu chứa chất Malachite Green (MG). Đây là chất có dạng bột mịn, tinh thể màu xanh lục thẫm, có ánh vàng, tan được trong nước. Khi vào cơ thể sinh vật chuyển hóa thành Leucomalachite Green (LMG).

Trong công nghiệp, Malachite Green (MG) dùng để nhuộm các nguyên vật liệu nhựa như: da, tơ, vải, sợi và giấy. Trong phòng thí nghiệm, MG làm dung dịch nhuộm vi khuẩn và bào tử của nó làm chỉ thị màu pH, chuyển màu pH. Tuy nhiên, thí nghiệm cho thấy chất MG và LMG làm hại gan, biến đổi tuyến giáp trạng, gây ra tình trạng mất máu, có thể làm đột biến gen và gây ung thư trên loài chuột thí nghiệm. Như vậy, chúng có thể gây ung thư cho con người. Hai chất này đã bị các nước Hoa Kỳ, Anh cấm sử dụng trong thực phẩm.

Không chỉ thế, nếu thủy sản xuất khẩu có MG sẽ bị trả về, có thể bị nước sở tại kiện.

Chất MG và LMG làm hại gan, biến đổi tuyến giáp trạng, gây ra tình trạng mất máu, có thể làm đột biến gen và gây ung thư trên loài chuột thí nghiệm. Như vậy, chúng có thể gây ung thư cho con người.

MG nằm trong “Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản” theo quyết định 07/2005/QĐ-BTS ngày 24-2-2005 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Sở Y tế Hà Nội cũng có công văn số 3351/SYT-TTr ngày 27-10-2011 về việc “Cấm sử dụng MG trong chế biến thực phẩm” gửi UBND các quận, huyện, thị xã.

Cốm Vòng làm mộc - không nhuộm phẩm màu vẫn được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cốm Vòng làm mộc - không nhuộm phẩm màu vẫn được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Tuấn Nguyễn.
 

Bà Nhung cũng khuyến cáo các hộ sản xuất cốm cần phải lựa chọn cơ sở sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm có đủ các điều kiện đảm bảo VSATTP (có giấy chứng nhận, hồ sơ công bố, bao gói nhãn mác đảm bảo quy định ATTP. Có hợp đồng với nơi cung cấp. Sử dụng đúng tên, liều lượng theo công bố.

Nơi sản xuất cốm cũng phải đảm bảo vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ làm cốm. Người sản xuất phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Nếu tổ chức, cá nhân nào phát hiện sự cố về VSATTP phải báo ngay cho cơ quan y tế và chính quyền địa phương gần nhất để xử lý kịp thời.

Các hộ dân ký cam kết đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh cốm
Các hộ dân ký cam kết đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh cốm.

Đại diện cho 9 hộ dân còn làm cốm tại làng Vòng, bà Nguyễn Thị Cận (80 tuổi, tổ 43, phường Dịch Vọng Hậu) phân trần: “Gia đình tôi chỉ làm cốm tươi, không làm cốm sấy. Làm ngày nào bán hết ngày đấy, mỗi ngày chỉ bán khoảng 30kg cốm, không hề dùng phẩm màu. Nhưng từ khi có thông tin cốm chứa chất ung thư không còn khách mua cốm, tôi không bán được hàng cả tuần nay.”

“Tôi xin đảm bảo gia đình chúng tôi sản xuất cốm để bán đúng chất lượng an toàn. Có thể một số hộ đã không nhận thức đúng đắn về chất phụ gia nhuộm cốm dẫn đến tình trạng chứa chất gây ung thư như báo chí phản ánh.” – bà Cận nói thêm.

Sau đó, bà Cận cùng các hộ dân trình bày nguyện vọng được chỉ rõ địa điểm cụ thể, đảm bảo để mua chất phụ gia an toàn, được phép sử dụng của Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, các hộ dân đã ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất cốm.

Ông Nguyễn Quang Hồng cho biết thêm, phường Dịch Vọng sẽ tiến hành đăng ký thương hiệu cốm Vòng cho từng hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, công khai trên thị trường để giữ gìn và phát huy thương hiệu cốm Vòng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG