Giải cứu

TP - Giải cứu nông sản ở Việt Nam không phải là câu chuyện mới. Những đợt giải cứu quy mô lớn trên toàn quốc cũng đã từng được triển khai.

“35.000 đồng/20kg su hào, 10 kg cà rốt giá 70.000 đồng, 100.000 đồng/20kg ổi, cải bắp 5kg giá 18.000 đồng, cà chua 5kg giá 20.000 đồng. Tôi mua cho cả nhóm luôn rồi. Phí ship gửi đồ từng đứa còn đắt hơn tiền mua hàng”, tin nhắn của người bạn ở Times City gửi trong nhóm chát sau khi mua hàng của một nhóm thiện nguyện giải cứu nông sản cho bà con nông dân Hải Dương.

Những ngày này, bạt ngàn màu áo xanh tình nguyện của các đoàn viên thuộc Tỉnh Đoàn, các huyện đoàn tỏa khắp Hải Dương ngày đêm hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch nông sản trên những cánh đồng, thửa ruộng. Tại Quảng Ninh, lãnh đạo nhiều đơn vị ngành than cũng ra văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc ưu tiên mua nông sản của bà con nông dân ‘hàng xóm’ Hải Dương để đưa vào các bữa ăn cho công nhân…

Còn tại Hà Nội, trên các diễn đàn, hàng loạt hội nhóm người con quê hương Hải Dương sống tại Hà Nội cùng nhau góp tiền thuê xe vận chuyển rau, củ, quả tiêu thụ giúp bà con vùng dịch. Những chuyến xe trĩu nặng nghĩa tình với hàng trăm tấn nông sản đã được các nhóm thiện nguyện tổ chức bán hàng giải cứu trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội.

Người nông dân vui một phần vì mồ hôi công sức của họ được trả xứng đáng và vui hơn nữa đã không ‘bị bỏ rơi, không bị cô lập’ trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến toàn bộ hoạt động kinh tế đình trệ. Nhưng cùng với những tấm lòng thiện nguyện, lại xuất hiện tình trạng có những thương lái mạo danh các hội nhóm từ thiện đến tận ruộng ép giá bà con. Người nông dân chỉ biết ngơ ngác khi không hiểu sao giá nông sản đã rẻ, lại giờ bị ép giá.

Nông dân Hải Dương quay quắt, thiệt hại đơn, thiệt hại kép vì dịch; hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, thậm chí  Ford Việt Nam cũng đã phải “kêu cứu” vì bị đứt chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội ở Hải Dương… một lần nữa cho thấy những tác động khủng khiếp của COVID-19 đang ảnh hưởng đến xã hội, đến kinh tế thế nào.

Năm 2020, cả nước đã liêu xiêu khi phải giãn cách xã hội. Hàng loạt ngành nghề mang lại nhiều tỷ USD cho nền kinh tế như vận tải, hàng không, du lịch… báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng. Dự báo, các doanh nghiệp phải mất 3-5 năm mới phục hồi được như trước đây.

Giải cứu nông sản ở Việt Nam không phải là câu chuyện mới. Những đợt giải cứu quy mô lớn trên toàn quốc cũng đã từng được triển khai. Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói” của người Việt luôn được phát huy khi một vùng, một thành phố hoặc người dân một tỉnh nào đó cần sự chung tay giúp sức để thoát khỏi khó khăn.

Với dịch COVID-19 hiện nay, các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, công thương cần có kế sách lâu dài để đáp ứng với tình hình mới đang là vấn đề đặt ra. Nếu không, tình trạng kinh doanh tách rời sản xuất sẽ vẫn tiếp diễn. Gánh nặng khó khăn sẽ còn luôn đè nặng lên những những người nông dân “một nắng, hai sương”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.