Giải cứu nông sản cho người dân vùng dịch, vẫn cần tuân thủ biện pháp phòng dịch

Giải cứu nông sản cho người dân vùng dịch, vẫn cần tuân thủ biện pháp phòng dịch
TPO - Việc người dân Hà Nội tham gia “giải cứu” nông sản hỗ trợ bà con nông dân tại Hải Dương, Hải Phòng là hành động nhân văn, đáng khen ngợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, người dân nên tránh tụ tập đông người và có biện pháp hỗ trợ chuyên nghiệp hơn.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng nghìn ha nông sản như su hào, cải bắp, súp lơ, cà rốt… của bà con nông dân tại các tỉnh có dịch như Hải Phòng, Hải Dương đến vụ thu hoạch nhưng không thể bán hay xuất khẩu do phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều nông dân rơi vào cảnh “ăn không ngon, ngủ không yên” vì công sức cả năm bỏ ra nay có nguy cơ thua lỗ.

Trước tình hình trên, nhiều người dân Hà Nội đã kết nối với nhóm tình nguyện viên tại Hải Dương để giúp bà con tiêu thụ số rau củ quả bị dồn ứ. Ngay từ sáng sớm ngày 21/1, hàng trăm người dân đã tập trung nhiều tiếng đồng hồ trên đường Giải Phóng, đường Lạc Nghiệp, đường Trần Đăng Ninh...để đợi xe tải nông sản từ Hải Dương. Chỉ trong vòng ít ngày hàng trăm tấn nông sản từ Hải Dương, Hải Phòng được tiêu thụ hết.

Giải cứu nông sản cho người dân vùng dịch, vẫn cần tuân thủ biện pháp phòng dịch ảnh 1 Người dân tham gia "giải cứu" nông sản cho người dân tại vùng dịch

Nhiều ý kiến đánh giá, hành động chung tay “giải cứu” nông sản cho người dân ở các tỉnh vùng dịch rất nhân văn, thể hiện tình tương thân, tương ái của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều về cách tổ chức “giải cứu” hiện nay.

Bạn đọc Đức Nguyễn (Hà Nội) cho rằng, việc “giải cứu” nông sản là một hành động đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp, việc người dân tụ tập đông mà không thực hiện giãn cách xã hội và đảm bảo các biện pháp phòng dịch sẽ gây ra lo ngại.

“Trường hợp có bệnh nhân nhiễm COVID-19, hoặc F1, F2 xuất hiện trong đám đông, lúc đó sẽ ra sao? Hai là, địa điểm bán hàng giải cứu không phù hợp, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, và gây mất an toàn giao thông”, bạn Đức Nguyễn nêu ý kiến.

"Giải cứu cần chuyên nghiệp"

Bạn đọc Trần Văn Lê (Thái Nguyên) cũng cho rằng, đây là việc làm rất đáng trân trọng. Nhưng nhìn nông sản được đổ tạm bợ bên đường tàu, ngoài lề đường, rồi hàng trăm người chen lấn để mua, rất lo lắng.

Bạn Lê đặt vấn đề: Tại sao không tổ chức chuyên nghiệp hơn, có địa điểm rộng rãi, và từng người dân xếp hàng giữ khoảng cách, đeo đầy đủ khẩu trang, xịt khuẩn. Đồng thời, nên học hỏi kinh nghiệm tổ của các nhóm thiện nguyện từng thực hiện chương trình ATM gạo, hay ATM mỳ tôm vào năm ngoái

Giải cứu nông sản cho người dân vùng dịch, vẫn cần tuân thủ biện pháp phòng dịch ảnh 2 Việc người dân tụ tập đông người, không thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 gây không ít lo lắng

Bạn Minh Nguyễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) gợi ý: 'Có chăng nên đưa hàng hóa vào siêu thị rồi khử trùng bằng tia cực tím đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó bán cho người dân. Việc hỗ trợ cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, và hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại'.

Trao đổi với Tiền Phong sáng 22/2, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ Tết Tân Sửu đến nay, Sở Công thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh trong vùng dịch hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Riêng với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Sở Công thương Hà Nội đã kết nối giới thiệu 66 cơ sở thương mại trên địa bàn thành phố qua đó hỗ trợ hai tỉnh này tiêu thụ 300 tấn rau, củ, quả tại hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Đối với việc người dân tham gia “giải cứu” nông sản tại một số tuyến đường, bà Lan cho rằng đây là hành động nhân văn, nhưng việc thực hiện cần đảm bảo các biện pháp chống dịch. Các cấp, ngành của TP Hà Nội cũng đang khuyến cáo người dân tuân thủ việc này.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đơn vị này cũng đang tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành công văn về kế hoạch tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân ở vùng dịch, trong đó ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và các biện pháp phòng chống dịch.

MỚI - NÓNG