Nông sản ở Hải Dương chờ giải cứu

TP - Hàng trăm tấn nông sản tại Hải Dương đang bị tồn đọng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi bạn bè chung tay “giải cứu” nông sản. Tuy nhiên, nguy cơ trắng tay trước vụ hoa màu năm nay của nhiều người dân trong tỉnh Hải Dương đang hiện hữu.
Nông sản ở Hải Dương chờ giải cứu ảnh 1

Su hào ùn ứ, tồn đọng không tiêu thụ được bị vứt bỏ một phần  ở Hải Dương. Ảnh: Ninh Hải

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng trăm héc ta nông sản (su hào, bắp cải, cà rốt…) tại Hải Dương đang tồn đọng. Mấy ngày qua, trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm kêu gọi “giải cứu” nông sản hỗ trợ người dân tiêu thụ dưới hình thức phi lợi nhuận. Theo đó, nông sản của người dân vùng dịch sẽ được một số HTX trên địa bàn tỉnh thu gom. Các sản phẩm này được đóng vào từng túi, khử khuẩn và vận chuyển miễn phí lên Hà Nội. Sau một lần khử khuẩn, sát trùng, các gói hàng nông sản sẽ được gửi tới từng khách hàng. Đây là cách làm được nhiều người ủng hộ, đã có hàng nghìn đơn hàng đặt mua.

Chị Vũ Thị Thu Trang, thành viên HTX Tân Minh Đức (Gia Lộc) cho biết, HTX nhận làm đầu mối thu gom nông sản cho người dân để kết nối đến các tỉnh thành. Tại Hải Dương, HTX vận động thành viên (chủ yếu là đoàn viên thanh niên) tổ chức kết nối với các HTX khác ở Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách (Hải Dương) tập trung nông sản về. Sau khi người dân đăng ký, nông sản sẽ được chở đến HTX, sau đó cơ quan kiểm dịch sẽ phun khử khuẩn, rồi được đóng gói và chuyển đi.

“HTX có 15 thành viên, mỗi ngày chỉ bán lẻ được 2-3 tấn nông sản cho người dân. Con số này không thấm vào đâu so với nhiều héc ta nông sản tại các huyện bắt đầu quá ngày thu hoạch. Su hào đã già, cà chua chín đỏ, vụ cấy sắp bắt đầu nên người dân bắt đầu phá bỏ, không giải cứu sẽ mất trắng. Sau hai ngày phát động, nông sản được người dân ùn ùn chở đến bằng xe bò với ước mong bán được bằng mọi giá. Hiện, giá bán sản phẩm chỉ bằng 1/3 so với giá bán thời điểm không có dịch”. Theo chị Trang, khó khăn nhất hiện nay là việc xin giấy thông hành cho người ra vào tỉnh để giao hàng.

“HTX đang mong chờ người tiêu dùng ở đầu thành phố Hà Nội sẽ tiêu thụ được khoảng 300 tấn nông sản. Ở đây có các siêu thị, sàn thương mại hứa sẽ giải cứu nông sản cho người dân tỉnh Hải Dương. Nông sản sẽ được chuyển lên Hà Nội vào ngày 23/2”, chị Trang cho biết.

Tại huyện Tứ Kỳ, ông Đặng Văn Bích, Bí thư Đảng ủy xã An Thanh cho biết, toàn xã có khoảng 60 héc ta chuối đã đến vụ thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 100 tấn. Xã đã chủ động đề nghị lãnh đạo huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương tạo điều kiện cho xe của thương lái vào thu mua sản phẩm. Đến ngày 18/2 đã có một doanh nghiệp vào thu mua chuối cho bà con nông dân. Như mọi năm, mỗi buồng chuối người dân thu về khoảng 300.000 đồng, năm nay, giá chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.

Nông sản ở Hải Dương chờ giải cứu ảnh 2 Súp lơ quá hạn thu hoạch, đã nở hoa ở ruộng

Ðề nghị tạo điều kiện lưu thông hàng hóa

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương cho biết, năm nay, tổng diện tích đất sản xuất vụ đông trên toàn tỉnh khoảng 22.000 héc ta. Vì thế, sản lượng nông sản tương đối lớn, tính đến nay đã tiêu thụ kha khá với giá rất tốt. Tuy nhiên, đến cuối vụ, một số gia đình trồng vụ 2, vụ 3 cùng thời điểm lấy nước đổ ải cho vụ cấy (Đông Xuân), nên bà con phải thu hoạch nhanh để dọn ruộng cấy. Thêm nữa, đây là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương nên việc vận chuyển nông sản hạn chế nên giá thành giảm khá nhiều.

Theo ông Quân, ước tính đến nay, diện tích trồng nông sản chỉ còn khoảng hơn 200 héc ta su hào, cà rốt còn hơn 400 héc ta, sản lượng thu được khoảng vài chục nghìn tấn (tiêu thụ trong nước) bị tồn đọng, khó di chuyển nên giá giảm sâu. Tuy nhiên, diện tích này chỉ chiếm một phần nhỏ, không thể nói tổng thể nông nghiệp trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng.

Về giải pháp giúp tiêu thụ nông sản cho người dân, ông Quân cho hay, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao. Đặc biệt, các sở, ban, ngành đoàn thể, doanh nghiệp tích cực thu mua nông sản cho người dân. “Khó khăn nhất là đường vận chuyển sang Hải Phòng (để xuất khẩu), thời gian xét nghiệm mất khá nhiều, ảnh hưởng tới thời hạn hợp đồng, vận chuyển, bảo quản nông sản... Việc vận chuyển bị ách tắc sẽ gây khó khăn, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, người dân. Lãnh đạo tỉnh đang tập trung tháo gỡ, đề nghị các tỉnh giáp ranh quan tâm, tạo điều kiện cho nông sản được tiêu thụ, vận chuyển qua địa bàn, đặc biệt là việc xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Quân nói. 

Hàng chục vạn trứng, gà, vịt giống cũng bị tồn

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 19/2, ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc - một trong những nơi trồng nhiều cây rau màu vụ Đông trên địa bàn tỉnh Hải Dương - chia sẻ, việc tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn huyện hiện gặp nhiều khó khăn. “Khó khăn nhất là các tỉnh lân cận yêu cầu lái xe phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng hiện nay việc xét nghiệm còn rất khó khăn”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Gia Lộc, Tứ Kỳ trồng khá nhiều rau, củ, quả. Ở một số nơi, người dân đã chặt bớt vì không tiêu thụ, vận chuyển được. Nếu chuyển đi được giá cũng rất rẻ. Trên địa bàn còn tồn đến cả trăm vạn trứng gia cầm, tồn gà giống, vịt giống không đưa đi được. “Như trứng vịt lộn, để quá vài ngày là không dùng được nữa”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, như ngày 19/2, một số xe tiêu thụ hàng hóa của huyện có ở chốt cầu Hiệp nối với Thái Bình, nhưng không qua được vì không có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

“Chúng tôi có đề nghị xe đỗ ở bên Hải Dương, sau đó vận chuyển sang xe của bên Thái Bình, nhưng vẫn không được”, ông Tuấn nói thêm. Ông Tuấn thông tin, trong ngày 20/2, phía huyện đã kết nối được với một bệnh viện ở Hà Nội, ưu tiên xét nghiệm cho 25 lái xe trên địa bàn huyện, khi có kết quả âm tính sẽ vận chuyển, giải tỏa được số lượng hàng hóa như trứng vịt lộn, gà con, vịt con đang tồn đọng trên địa bàn.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm chia sẻ, ở Tứ Kỳ người dân trồng nhiều su hào, bắp cải, súp lơ, hành tây, cần tây. Bình thường, khi không có dịch, nông sản của địa phương được vận chuyển ra các tỉnh như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, những nơi đông khu công nghiệp. Nhưng hiện tại, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không có người mua, nếu có người mua thì việc vận chuyển đi cũng rất khó khăn.

Ông Sẫm thông tin còn lượng gà, vịt, cá, lợn chưa tiêu thụ được. Nếu nuôi tiếp phải tốn thức ăn. Nhiều nơi còn không mua được thức ăn cho vật nuôi vì “vào vùng dịch cũng khó mà ra khỏi vùng dịch cũng khó”.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.