'Giải cứu' Hồ Tây

Cá chết chưa từng có ở hồ Tây trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2016. Ảnh: Như Ý
Cá chết chưa từng có ở hồ Tây trong những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10/2016. Ảnh: Như Ý
TP - Ban Quản lý (BQL) hồ Tây và các cơ quan chức năng khẳng định đã ngăn chặn được tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế khu vực bờ hồ chạy quanh tuyến đường Nguyễn Đình Thi - Trích Sài cuối tuần qua cho thấy, cá chết vẫn xuất hiện ở một số điểm, đặc biệt là khu bến thuyền và nhà nổi chưa được di dời, nơi có 2 cống xả cỡ lớn nghi xả trực tiếp nước thải xuống hồ Tây trong nhiều năm qua.

Cá vẫn chết?

Chiều 9/10, ở khu vực đường Nguyễn Đình Thi (đoạn gần vườn hoa Lý Tự Trọng), vẫn có hiện tượng cá chết, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Anh Thành, một bảo vệ tại nhà hàng đối diện bức xúc: “Cả Hồ Tây có đoạn này ô nhiễm nhất, cá chết nhiều nhất. Cả tuần nay quán không có khách vì mùi tanh, hôi bốc lên không chịu được”.

Tại đoạn đường này, có 2 cống xả thải cỡ lớn. Do cống đặt chìm nên không thể quan sát bằng mắt thường về lượng xả thải. Tuy nhiên, phần nước trên miệng cống luôn sủi bọt, đen kịt và bốc mùi xú uế. Mặc dù khu vực này được lắp đặt máy sục oxy công suất lớn nhưng lác đác vẫn còn cá chết mới tại đây. Một số xác cá mắc kẹt lại trong ống cống cạn nước, bắt đầu phân hủy, bốc mùi khó chịu.

“Còn để cống xả ngày nào thì nước hồ còn ô nhiễm ngày đó, ô nhiễm sinh ra tảo độc, một phần làm nguyên nhân hết ôxy trên hồ”.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn văn Thắng

Trực tiếp thị sát Hồ Tây cùng PV Tiền Phong chiều 9/10, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ khẳng định: Quanh Hồ Tây còn gần 30 cống xả thải xuống hồ, trong đó cống ở đoạn số 10 Nguyễn Đình Thi là cống to nhất, xả thải nhiều nhất. Ông Thắng cho biết thêm, cống xả này đã có từ lâu, tiếp nhận nguồn nước từ toàn bộ khu vực Quán Thánh, Phan Đình Phùng… Trước đây, khi cư dân ít, nhà cửa chưa phát triển, cống không ảnh hưởng nhiều. Hiện nay, xà phòng, nước tẩy rửa, thuốc tẩy… đều đổ hết ra cống. “Còn để cống xả ngày nào thì nước hồ còn ô nhiễm ngày đó, ô nhiễm sinh ra tảo độc, một phần làm nguyên nhân hết ôxy trên hồ”, Bí thư quận ủy Tây Hồ khẳng định.

'Giải cứu' Hồ Tây ảnh 1

Cá chết vẫn nổi trắng ở khu vực bến du thuyền nhà nổi, nơi có 2 miệng cống xả cỡ lớn nghi xả nước thải trực tiếp xuống hồ Tây.

Đại diện Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đợt cá chết vừa qua do nước lên cao, một lượng xác cá chết đã lọt vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố, dẫn đến nhiều khu vực bốc mùi hôi thối cần phải huy động lực lượng xử lý. Để ngăn chặn ô nhiễm và dịch bệnh xảy ra,  đơn vị đã cho cán bộ tập trung xử lý trong thời gian sớm nhất.

Ngăn chặn chất thải vào hồ Tây

Trước đó, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và cộng đồng cho biết, Hà Nội đã trở thành thành phố hiện đại nhưng nhiều ao hồ vẫn được sử dụng để nuôi cá quảng canh, làm kinh tế. Bà Lý cho rằng đây là hành động gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, mật độ lớn trong không gian hẹp cũng khiến cá chết hàng loạt mỗi khi trở trời hoặc đánh lưới làm động lớp bùn dưới mặt nước. “Thành phố cần quyết định, chọn cảnh quan hay kinh tế, nếu lựa chọn hồ là cảnh quan dân sinh, làm lá phổi xanh, điều hòa không khí cho Thủ đô thì chức năng nuôi cá làm kinh tế cần phải loại bỏ hoàn toàn”, bà Lý nhấn mạnh.

'Giải cứu' Hồ Tây ảnh 2

Khu vực đầu đường Nguyễn Đình Thi có nhiều điểm xác cá chết đang trong thời kỳ phân hủy chưa được dọn dẹp dẫn đến mùi xú uế bốc nồng nặc cả tuần qua

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết, quận Tây Hồ đã kiến nghị thành phố 2 biện pháp cấp thiết để làm sạch nước hồ Tây. Đầu tiên là kiên quyết ngăn chặn không cho chất thải chảy vào hồ. Kế đó là từng ngày từng giờ vệ sinh, lọc nước để cân bằng sinh thái, tuần hoàn, lắp đặt hệ thống bè thủy sinh, đảm bảo nước hồ luôn sạch sẽ.

Ông Thắng cho biết thêm, trong kế hoạch tổng vệ sinh hồ Tây, các đơn vị sẽ phối hợp nạo vét bùn từ đáy hồ, làm sạch nước cả trong gầm những khách sạch lớn như Intercontinental, Thắng Lợi… đảm bảo môi trường cho khách quốc tế, các đoàn ngoại giao thường xuyên tới đây. 

Ông Đỗ Hùng Vương, Phó Trưởng Ban quản lý Hồ Tây cho biết, do tích tụ nhiều năm, lượng bùn đáy Hồ Tây có nơi đã lên đến 1,5m. Bùn đáy bị nhiễm bẩn dầu mỡ và kim loại nặng nhiều năm, ảnh hưởng đến sinh thái hồ. 

Dự kiến, trong tuần này, Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội sẽ họp xem xét, lựa chọn các phương án “giải cứu” hồ Tây khỏi tình trạng ô nhiễm và cải thiện môi trường hồ Tây, dựa trên đề xuất của Sở TN&MT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và các đơn vị chuyên môn.

MỚI - NÓNG