Chiến tranh là địa ngục đối với hầu hết mọi người liên quan. Điều này bao gồm cả động vật, đặc biệt là hàng trăm chú chó mà quân đội Mỹ cử sang các chiến trường Afghanistan, Iraq… cùng với các binh sĩ Mỹ kể từ sự kiện khủng bố 11/9/2001. Giờ đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đang có những bước đi để đảm bảo thêm nhiều chú chó được trở về nhà.
Thiếu chó nghiệp vụ
Ngay từ khi thành lập, các lực lượng vũ trang đã dùng đến chó. Hiện nay, xấp xỉ 1.600 con chó quân sự có mặt trên chiến trường hoặc giúp các cựu chiến binh hồi phục tâm lý. Ở Afghanistan hiện nay, cứ 3 lính Mỹ thì có xấp xỉ 1 chú chó quân sự. Những con vật này là một nguồn lực ngày càng quý giá. Trong bối cảnh khủng bố nhắm vào các địa điểm du lịch, phương tiện giao thông vận tải công cộng khắp nơi trên thế giới, nhu cầu toàn cầu về chó dò tìm bom mìn đang tăng mạnh. Một chú chó được huấn luyện tốt hiện có giá 25.000 USD (565 triệu đồng). Nhiều cơ quan, đơn vị ở Mỹ cần đến chó nghiệp vụ như tuần tra biên giới, Bộ Ngoại giao, công ty an ninh tư nhân… Thậm chí một số khách sạn, khu du lịch cũng cần đến chó nghiệp vụ để đánh hơi, dò tìm rệp.
Lực lượng không quân Mỹ nói rằng, sự phân bổ chó nghiệp vụ trong quân đội Mỹ hiện thấp hơn 38% so với thời kỳ đỉnh cao là chiến tranh ở Afghanistan. Mỹ vẫn chưa tinh thông việc nhân nuôi chó nghiệp vụ. Dù Không quân Mỹ đã bắt đầu chương trình nhân nuôi ở bang Texas, hầu hết số chó nghiệp vụ của Mỹ hiện nay là chó nhập khẩu, chủ yếu từ Đông và Trung Âu - nơi văn hóa huấn luyện chó đã hình thành và phát triển từ rất lâu. Các sĩ quan phụ trách mua sắm trong quân đội mỗi năm bốn lần sang châu Âu chọn mua chó con.
Trong một buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi năm 2016, bà Cynthia Otto, bác sĩ thú y, giám đốc điều hành Trung tâm Chó Penn, nói rằng, nguồn cung chó tốt đang ngày càng khan hiếm nghiêm trọng. “Nguy cơ phụ thuộc vào nguồn chó nước ngoài để hỗ trợ đảm bảo an ninh quốc gia của chúng ta là rất cao”, bà nói.
Dạy chó tốn kém bằng sản xuất tên lửa nhỏ
Một khi mua được một chú chó con tiềm năng, Lầu Năm Góc sẽ chi thêm 42.000 USD (950 triệu đồng) để đào tạo thành chó nghiệp vụ K9. Quá trình đào tạo bắt đầu bằng việc cho chó học cách vâng lời, dò tìm bom mìn và/hoặc ma túy tại Căn cứ không quân Lackland ở Texas. Một số chú chó lọt vào vòng huấn luyện thứ hai. Đó là tuần tra, khống chế và tấn công kẻ địch. Để làm được cả hai công việc này, một chú chó giỏi phải mất khoảng 4 tháng để hoàn thành hai đợt huấn luyện. Đến khi hoàn thành khoá huấn luyện, một chú chó quân sự tinh thông nghiệp vụ đã tiêu tốn của Bộ Quốc phòng Mỹ một khoản tiền tương đương chi phí cho một tên lửa loại nhỏ. Vì thế, người ta phải tìm cách để chó nghiệp vụ khoẻ mạnh, phục vụ quân đội càng lâu càng tốt.
Trong chiến tranh Việt Nam (giai đoạn 1966-1973), quân đội Mỹ đưa khoảng 5.000 chó nghiệp vụ và 10.000 binh sĩ điều khiển chúng sang miền Nam Việt Nam, chủ yếu để truy tìm dấu vết, dò mìn, canh gác… Tuy nhiên, quân giải phóng, lực lượng đặc công của ta vẫn dễ dàng qua mặt chó nghiệp vụ, đánh sập nhiều căn cứ quân sự, kho hậu cần lớn của Mỹ.
Các sĩ quan chỉ huy hiểu rõ về cái giá phải trả khi chó nghiệp vụ bị chết trên chiến trường, chưa kể ảnh hưởng đối với tinh thần binh sĩ, ông Bob Bryant, người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Mission K9 Rescue ở thành phố Houston, nói. Tổ chức này giúp hồi phục và tìm nơi ở mới cho những chú chó nghiệp vụ đã nghỉ hưu. “Bên quân đội coi chó của họ như vàng. Được huấn luyện đầy đủ, chó được coi là một tài sản phục vụ quân đội ít nhất 8 hoặc 9 năm”, ông Bryant nói.
Tuy nhiên, đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Trong số hàng trăm binh nhì 4 chân mà Mission K9 Rescue đã tìm cho nhà mới, 60% rời quân ngũ với chấn thương, gặp vô số vấn đề với gân, khớp, cột sống… Ông Bryant còn nêu một thực tế u ám là chó quân sự và quân nhân đồng hành với chúng nếu thương vong thì thường chết chung vì hay đi cùng nhau.
Nhiều chú chó quân sự, bao gồm Oreo của ông Bryant (trước khi ông nghỉ hưu), được sử dụng để dò bom nên sau đó thường cũng bị rối loạn stress sau sang chấn giống như người. Trước khi mắc chứng này, Oreo thường xuyên phải đánh hơi, phát hiện các thiết bị nổ tự chế ở Iraq.
Dùng chó robot để đào tạo bác sĩ
Bộ Quốc phòng Mỹ đang mua những con chó giả trông như thật để đào tạo huấn luyện bác sĩ quân y cứu chữa chó nghiệp vụ bị thương trên chiến trường. Kể từ khi chó robot có mặt trên thị trường hồi tháng 1/2017, Lầu Năm Góc mua khoảng 80 con từ TraumaFX - đơn vị trực thuộc nhà thầu quốc phòng KForce Government Solutions. KForce tuyển dụng nhiều nhà thiết kế phim Hollywood. Họ đang thiết kế 6 mẫu robot chó mới. “Ban đầu chúng tôi nghĩ chỉ bán được 50 con. Nhưng giờ thì nhu cầu tăng quá mạnh”, Phó giám đốc TraumaFX Carolyn Hollander nói.
Chó robot Hero có đầy đủ các khớp nối, nặng 22,5kg, giá 20.000 USD. Nó có mạch đập, có một túi đặt bên trong bắt chước nhịp thở và một hệ thống giả lập vết thương. Bấm một nút trên điều khiển từ xa, chú chó cao su sẽ chảy máu ồ ạt.KForce mới đây tung ra phiên bản chó tiếp theo mang tên Diesel. Loại chó robot này mang trên mình nhiều loại vết thương do đạn bắn, chân có thể tháo rời, ruột có thể sưng phồng như thật… Nó cũng biết sủa và rên. Những chú chó robot trông như thật sẽ giúp ích cho bác sĩ phẫu thuật hoặc người huấn luyện chó xử lý vết thương trong các tình huống trong thực tế, bà Hollander nói.
“Đội chó robot của chúng tôi, Hero và Diesel, hơi giống nhân vật Chewbacca trong phim nổi tiếng Star Wars. Nòng cốt của nhóm phát triển TraumaFX, hơn hai chục người, đến từ Industrial Light & Magic - hãng chuyên về hiệu ứng hình ảnh, âm thanh ở Hollywood, từng tham gia sản xuất Star Wars, Harry Potter và nhiều phim bom tấn khác. TraumaFX mua bộ phận sản xuất sinh vật của Industrial Light & Magic vào năm 2014, sau khi nhờ họ tư vấn về cách thức xây dựng một con chó giả. Họ rất tài năng, nhưng năng lực làm mô hình của họ sắp biến mất vì sự xuất hiện của đồ họa máy tính”, bà Hollander kể.
Hiện nay, TraumaFX bắt đầu bán chó robot cho các trường thú y để họ sử dụng thay cho xác chết. Một số quân đội nước ngoài cũng đặt hàng. “Thông thường, một cơ quan hoặc đơn vị quân đội nước ngoài đặt mua 5 hoặc 10 chú chó robot của chúng tôi”, bà Hollander nói.
Chó của đặc nhiệm hải quân Mỹ
Chó Malinois nhảy dù cùng lính đặc nhiệm. Ảnh: Getty Images.Khi nói đến chó quân sự, người ta thường nghĩ đến giống chó chăn cừu “đô con” của Đức. Thực tế là một số giống chó khác cũng được quân đội đặc biệt ưa chuộng. Nhiều đơn vị quân đội Mỹ sử dụng giống chó săn Labrador Retriever rất dễ huấn luyện. Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ (SEAL) sử dụng giống chó chăn cừu Malinois của Bỉ (giống chó chăn cừu Đức nhưng nhỏ hơn). Chúng cơ động, chạy nhanh, có số cảm thụ thể khứu giác nhiều gấp 40 lần con người. Cơ thể chúng nhỏ gọn nên thích hợp với các nhiệm vụ nhảy dù và đẩy lùi, chống tiếp cận cùng với người huấn luyện. Trong vụ tìm diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011, đi cùng nhóm biệt kích SEAL là một chú chó chăn cừu Malinois của Bỉ tên là Cairo.