Giấc mơ sâm Việt

TP - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt sâm núi Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia. Một lễ hội sâm Ngọc Linh đầu tiên được tổ chức ngay thủ phủ sâm Nam Trà My, kèm theo đó là bộ tem sâm Việt Nam phát hành trên 168 quốc gia… Giấc mơ về sâm Việt Nam bay cao sẽ không còn xa vời. Trước mắt, sẽ đưa thủ phủ sâm Nam Trà My thoát khỏi danh sách huyện nghèo nhất nước…

Gặp cha đẻ đề án sâm Ngọc Linh

Những ngày này người dân và cán bộ huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đang tất bật chuẩn bị cho đêm khai mạc lễ hội sâm núi Ngọc Linh sẽ được tổ chức vào tối ngày 10/6. Lễ hội sâm đầu tiên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 787 ngày 5/6/2017, bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia thuộc chương trình phát triển sâm quốc gia đến năm 2020. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành địa phương liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế ưu đãi đặc thù của từng sản phẩm. Quyết định 787 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa hình ảnh và giá trị của cây sâm núi Ngọc Linh lên một đỉnh cao mới, xứng tầm với giá trị thảo dược của loài sâm vốn được khoa học chứng minh từ lâu.

Người mừng nhất khi Thủ tướng phê duyệt quyết định 787 có lẽ là ông Hồ Quang Bửu (Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My). Lên huyện nghèo nhất nước này làm Chủ tịch được gần 3 năm, việc đầu tiên ông làm là xây dựng Đề án Quốc gia về bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2020 trị giá hơn 9.500 tỷ đồng, trong đó  1.500 tỷ đồng là ngân sách nhà nước, còn lại là xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Đề án được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 9/2015, đến nay đã và đang được triển khai, cụ thể hóa bằng những chương trình cụ thể và bước đầu có những khởi sắc.

Giấc mơ sâm Việt ảnh 1 Hội thi sâm núi Ngọc Linh lần đầu tiên được tổ chức tại thủ phủ sâm Nam Trà My.

Một ngày trước khi lễ hội sâm núi Ngọc Linh diễn ra, ông Bửu tất bật ngược xuôi chuẩn bị cho lễ hội, hội thảo về sâm. Gặp ông Bửu, câu đầu tiên ông cười đùa: “Đề án sâm mới đó đã lỗi thời rồi”. Cái “lỗi thời” ông nói chính là câu chuyện 9.500 tỷ đồng ông đưa ra trong đề án, mà nhiều người bảo là viễn vông. Nay đã có 6 doanh nghiệp đến đăng ký đầu tư, phát triển sâm. Trong đó, có 3 tập đoàn gồm TH true Milk, Vingroup và Ánh Dương đã làm thủ tục thuê đất, để đăng ký đầu tư hơn 20.000ha, tổng số vốn hơn 12.000 tỷ đồng.

Nhắc lại chuyện Đề án, ông Bửu chia sẻ, ngày ông ôm hồ sơ Đề án đi đến các cơ quan từ địa phương đến bộ  ngành Trung ương nhiều người nói ông bị điên và ảo tưởng. Nhưng ông bỏ ngoài tai, nhất quyết theo đuổi đến cùng bởi ông biết rõ giá trị kinh tế của sâm Ngọc Linh sẽ mang lại cho người dân và đất nước như thế nào. Ngày đó, giá sâm Ngọc Linh chỉ mới 15 – 20 triệu đồng/kg. Khi đề án được thông qua, giá sâm Ngọc Linh đã tăng vùn vụt đến nay đã 70 – 75 triệu đồng/kg. Riêng lá sâm Ngọc Linh dân phơi khô nay cũng lên đến 20 triệu/kg. Và với việc Thủ tướng công nhận sản phẩm quốc gia, ông tin rằng giá sâm sẽ lại tiếp tục tăng và thu hút nhà đầu tư vào cây sâm quý này. Quan trọng hơn hết, trồng sâm là bảo vệ được rừng, bởi còn rừng mới còn sâm.

Ông Bửu kể lại câu chuyện trong một chuyến sang Hàn Quốc tham quan vùng trồng sâm ở Hàn Quốc. Chuyến đi đó có cả ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Lần đó, cả ông Thu và ông Bửu đã phải giật mình khi một củ sâm núi ở đây chỉ bằng ngón tay cái nhưng có giá đến 200.000USD (tương đương 4 tỷ đồng).

Hai năm sau khi Thủ tướng Phê duyệt Đề án phát triển Sâm Việt Nam, Nam Trà My đang trở mình với cuộc “cách mạng” và “cuộc chơi” của một huyện nghèo với cây sâm quý. Từ khoảng 100 hộ dân trồng sâm Ngọc Linh với diện tích 120 ha đến nay toàn huyện đã có hơn 1.000 hộ trồng, diện tích tăng lên 1.200 ha. Từ 1 xã Trà Linh, đến nay 6 xã khác của huyện Nam Trà My đã trồng sâm. “Nam Trà My vẫn là huyện nghèo? Dân vùng sâm vẫn nghèo?”. Trả lời câu hỏi ông Bửu cười: “Dân vùng sâm nghèo nhưng không phải nghèo về tiền bạc. Nghèo chỉ vì chưa có điện có đường”. Theo ông Bửu, 5 năm tới, Nam Trà My sẽ có chuyển biến rõ rệt, khi mà tuyến đường dài 35km lên vùng sâm có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thành, cùng với đó là việc kéo điện lên, đưa ánh sáng văn minh đến vùng cao. “Phải có đường, có điện dân mới thoát nghèo. Có tiền nhưng không có đường có điện, không có ánh sáng văn minh, học hành thì cũng chẳng để làm gì”, ông Bửu nói.

Giấc mơ sâm Việt ảnh 2 Chấm điểm sâm quý Ngọc Linh.

Điểm mặt các đại gia sâm

Ông Bửu kể vanh vách tên 30 đại gia vùng sâm Ngọc Linh của Nam Trà My, trong đó có một số người mới nổi lên vài năm lại đây. Ai cũng có trong tay vài tỷ đến vài chục tỷ đồng và hàng ngàn gốc sâm quý chưa thu hoạch. Tiền với người dân có sâm không thiếu nhưng như lời ông Bửu, dân cõng tiền lên núi để đó, cũng chẳng làm gì.

Lên Nam Trà My tôi được nhiều cán bộ huyện kể cho nghe câu chuyện về đại gia Hồ Văn Bộ (ở thôn 3 xã Trà Linh) vừa mới nổi lên nhờ sâm, buôn và bán sâm chỉ lấy tiền mệnh giá 500.000 đồng. Tiền mệnh giá nhỏ hơn tuyệt đối ông Bộ từ chối. Bởi đơn giản, tiền mệnh giá nhỏ, vác lên núi mỏi vai. Thế mới thấy cái giàu có của người trồng sâm Ngọc Linh đến thế nào. “Đối với người dân vùng sâm đánh giá giàu nghèo rất khó. Có sâm hay không có, làm sao mình biết. Nếu lấy chuẩn chung đánh giá thì rõ ràng nghèo là đúng, bởi cách trở và khó khăn về điều kiện đi lại” ông Đặng Duy Ba, Phó phòng LĐ – TB&XH huyện Nam Trà My cho biết. Gặp Hồ Văn Bộ tại Hội chợ quảng bá sâm, ông Bộ cho biết: Giá sâm Ngọc Linh trên 10 năm tuổi là hơn 200 triệu đồng/kg. Dân không có mà bán. Hỏi chuyện sâm, Bộ giấu giếm: “Chỉ có mấy trăm gốc thôi. Đủ sống qua ngày”.

Hơn 6 năm trước, tôi lên đỉnh Ngọc Linh, gặp đại gia và “tay chơi” Hồ Văn Hình (cũng ở thôn 3 Trà Linh”. Dạo đó, Hình bỏ tiền xây ao, thả cá giữa lưng chừng núi. Đi bộ nửa ngày đường mới lên đến nơi. Việc làm ao cá như Hình là kỳ tích. Chưa kể, Hình dẫn cả nhà ra Hà Nội thăm thú, du lịch nhờ bán mấy ký sâm. Nay sâm lên giá, giàu lại càng giàu hơn. Hình học lái ô tô, chờ đường sá thông thương, sẽ mua ô tô, tính chuyện làm ăn lớn. Giấc mơ của Hình và các đại gia sâm ở Trà Linh như Hồ Văn Du, Hồ Văn Lượng… sẽ đầu tư phát triển, trồng thêm nhiều sâm. Chỉ riêng việc đến mùa cắt bán lá sâm không thôi, họ đã thu về tiền tỷ dễ như chơi.

Cuộc thi đặc hữu

Chiều ngày 9/6, tôi chứng kiến cuộc thi đặc biệt nhất từ trước đến nay: Thi sâm. Hơn 20 hộ dân của vùng núi Ngọc Linh mang sâm từ 3 đến 10 năm tuổi đi thi. Một ban giám khảo được lập ra bao gồm cán bộ và nguyên cán bộ lâu năm gắn bó và hiểu biết về sâm Ngọc Linh. Trong thành phần ban giám khảo có ông Hồ Văn Du, một đại gia trồng sâm nổi tiếng Trà Linh. Những gốc sâm Ngọc Linh được chấm dựa trên nhiều tiêu chí từ lá, hoa, thân đến củ. Mỗi độ tuổi ban giám khảo chọn lựa trao giải sâm đẹp cho chủ hộ. Ông Hồ Viết Cường, mang tới dự thi hai củ sâm 7 năm và 10 năm tuổi ban giám khảo phải trầm trồ khen ngợi. Có khách ra giá củ sâm 50 triệu nhưng ông không bán. Ông Hồ Quang Bửu cho biết: Cuộc thi sâm đơn thuần không chỉ là thi, mà quan trọng hơn đó là quảng bá để người dân biết giá trị của cây sâm, biết cách chăm sóc để có nguồn thu, thay đổi thói quen trông chờ ỷ lại. Cuộc thi theo ông Bửu cũng là sự chuẩn bị từ thôn xã, tiến đến thi thố cấp quốc gia, quốc tế đưa hình ảnh sâm ra toàn thế giới, để thế giới biết nhiều hơn về sâm Ngọc Linh.

Giấc mơ sâm Việt ảnh 3 Hồ Thanh Mai mang sâm xuống huyện bán để tiêu xài.

Ba lô nhét 2 cây sâm, Hồ Thanh Mai (thôn 2, Trà Linh) mang sâm xuống huyện không phải để thi mà để bán. Hai cây sâm 3 năm tuổi, củ bằng ngón tay, ra giá 8 triệu đồng lập tức có người mua. Mai thật thà: bán sâm để trả nợ. Nhà có mấy trăm gốc sâm, đã bán được 3 – 4 chục gốc. Tiền thu về bao nhiêu Mai không nhớ.

Hết tiền là cứ mang sâm đi bán, kiểu như Hồ Thanh Mai ở Trà Linh là đa số. Bởi vậy, ở thủ sâm quý bao đời nay người dân vẫn nghèo là vậy. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng vẫn ở con số 64%. Để người dân thoát nghèo và giàu có nhờ sâm tưởng dễ nhưng không dễ, khi mà điều kiện đường sá còn tách biệt và nhận thức của người dân còn thấp. Con số 30 đại gia mà ông Bửu nhắc đến là những người biết tu chí làm ăn, biết giá trị của sâm mà đầu cơ, trồng trọt. Bởi vậy, từ năm 2017, huyện Nam Trà My đã có hẳn một đề tài khoa học cấp huyện với giáo trình dạy về sâm cho học sinh. Ông Bửu chia sẻ: Giáo trình đó, sẽ dạy cho học sinh cấp 1 nhận biết về giá trị cây sâm, cấp 2 học sinh biết về kỹ thuật trồng, nhân giống. Lên cấp 3 sẽ biết về thu hoạch, chế biến sản phẩm, kinh doanh. “Đi kèm với sự đầu tư phải thay đổi nhận thức của người dân. Muốn thay đổi nhận thức, phải dạy cho con trẻ, thế hệ tương lai”, ông Bửu cho hay.

“Không phải đơn giản mà Thủ tướng phê duyệt đề án bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia, cuộc chơi bây giờ là của cả nước, không riêng gì địa phương Nam Trà My, không riêng gì Quảng Nam nữa” ông Bửu cho biết. Bởi vậy, khi Ban kinh tế Trung ương về Nam Trà My khảo sát đúng dịp Lễ hội sâm này, ông Bửu đã mạnh dạn đề xuất tổ chức hội thảo với sự có mặt của các tỉnh, các huyện có núi cao trên 1.000m ngồi lại với nhau để bàn chuyện di thực phát triển sâm Ngọc Linh. Ông hy vọng đề xuất đó sẽ được quan tâm và các địa phương sẽ cùng chung tay vì một mục  tiêu cuối cùng tạo  thương hiệu sâm Việt Nam ra trường quốc tế, người dân cả nước trồng được sâm. 

MỚI - NÓNG