Trong phiên giao dịch ngày 26/8, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.510,75 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% trong phiên trước. Giá vàng tương lai của Mỹ không đổi ở mức 2.545,9 USD.
Cuối tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ủng hộ việc bắt đầu cắt giảm lãi suất, giữa lúc thị trường việc làm có dấu hiệu suy thoái. Đồng USD dao động gần mức thấp nhất trong 13 tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm cũng giảm.
"Vàng vẫn được các nhà đầu tư ưa chuộng, miễn là đồng USD ở thế yếu trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến. Nếu lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn bị kìm hãm, vàng có thể sẽ tăng lên mức 2.550 USD trong tuần này nếu ngưỡng kháng cự quanh 2.530 USD có thể bị phá vỡ trước", Tim Waterer - chuyên gia phân tích thị trường chính của KCM Trade - cho biết.
Giá vàng thế giới đang đi theo chiều ngang. |
Chuyên gia nói thêm rằng, giá vàng đang trong giai đoạn củng cố khi các nhà giao dịch đưa ra dự đoán về mức cắt giảm lãi suất có thể thấy vào tháng 9.
Hiện, các nhà đầu tư định giá mức cắt giảm trong tháng tới với 62% khả năng nới lỏng 25 điểm cơ bản, 38% khả năng giảm mạnh hơn 50 điểm, theo công cụ FedWatch của CME. Môi trường lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng thỏi không sinh lời.
Giá bạc giao ngay giảm 0,4% xuống 29,70 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,5% xuống 958,77 USD và giá paladdin mất 0,8% xuống 955,13 USD.
Về thị trường nhiên liệu, giá dầu thô Brent tương lai tăng 56 cent, tương đương 0,7%, lên 79,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô tương lai của Mỹ ở mức 75,40 USD/thùng, tăng 57 cent, tương đương 0,75%.
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch đầu tuần do lo ngại xung đột từ Gaza lan sang Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung, trong khi việc Mỹ cắt giảm lãi suất thúc đẩy triển vọng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.